Phục dựng điện Kính Thiên phải nghiên cứu kĩ và tôn trọng các giá trị khoa học

'Muốn phục dựng điện Kính Thiên phải nghiên cứu thật kỹ, với những bằng chứng xác thực chứ không mang câu chuyện của người khác để nói chuyện câu chuyện của mình'- đó là ý kiến của PGS. TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí trước khi diễn ra trưng bày 'Giải mã bí ấn kiến trúc điện Kính Thiên'.

Ông Bùi Minh Trí đưa ra ví dụ công trình công viên lịch sử Đại Minh Cung, một cung điện lớn thời Đường tại Trung Quốc, một địa chỉ văn hóa nổi tiếng nhưng cũng chỉ dựng lại các mô hình đơn giản chứ chưa có công trình kiến trúc nào được phục dựng, trong khi họ đã tiến hành nghiên cứu từ năm 1950 đến nay. Lý do là “cần nghiên cứu có cơ sở khoa học rồi mới làm”. Thay vì phục dựng, kinh nghiệm tại công viên lịch sử Đại Minh Cung là trình chiếu 3D các dấu vết khảo cổ học, dựng lên các mô hình kiến trúc… để người dân và du khách có thể mường tượng về quá khứ.

Theo đó, PGS.TS Bùi Minh Trí cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng đang thận trọng đi theo hướng đó. Không phải công bố hôm nay để cho mọi người đi phục dựng. Việc công bố những thành tựu nghiên cứu khoa học với mong muốn để mọi người hình dung giá trị, vẻ đẹp công trình, hoài niệm những giá trị lịch sử của cha ông. Công chúng có thể cảm nhận một cách chân thực với những giá trị được phát hiện, còn câu chuyện phục dựng là câu chuyện dài, với nhiều điều cần nghiên cứu, kiểm chứng để thử nghiệm chứ không phải tô vẽ xong là có thể làm được”.

Hình thái kiến trúc điện Kính Thiên được phục dựng. Ảnh: Bùi Minh Trí.

Nhân dịp này, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã công bố kết quả của nhóm nghiên cứu sau hơn 20 năm, dựa trên tư liệu và các bằng chứng xác thực của khảo cổ học, khẳng định: kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng (kiến trúc gỗ, có bộ khung chịu lực bằng gỗ) và bộ mái được lợp bằng các loại ngói rất đặc trưng. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Nghiên cứu so sánh cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái cho thấy, kiến trúc điện Kính Thiên được thiết kế xây dựng rất công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ theo nghi thức cung đình với nhiều màu sắc lộng lẫy, mang vẻ đẹp quyền uy và thịnh vượng của vương triều, mang nét tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở Đông Á cùng thời, như cung điện ở Cố cung Bắc Kinh (Trung Quốc) hay Changdeokgung (Seoul - Hàn Quốc). Nhưng trên mái điện Kính Thiên được lợp bằng loại ngói rất đặc sắc, đó là loại ngói rồng (Ngói hình con rồng) với hai loại ngói rồng màu xanh, ngói rồng màu vàng. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt, mang đầy tính sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Như vậy, kiến trúc đấu củng và ngói rồng (ngói lợp mái Điện Kính Thiên) là hai đặc điểm tiêu biểu của công trình kiến trúc này.

Ngói rồng - loại ngói đặc sắc lợp trên điện Kính Thiên. Ảnh: Bùi Minh Trí.

Dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,80m, gian hai bên rộng 4,20m. Từ số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian (7 gian 2 chái), chiều sâu của lòng điện là 6 gian, có diện tích lớn khoảng 1.188m2 (dài 44m x rộng 27m), trong đó chiều ngang có 10 cột, chiều dọc (hay chiều sâu) có 6 cột, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ. Nhóm nghiên cứu cũng khẳng định thêm: Toàn bộ công trình có hình vuông nên chiều cao bằng chiều rộng của toàn bộ công trình.

Để minh chứng các nghiên cứu khoa học, Viện Nghiên cứu Kinh thành sẽ tổ chức trưng bày “Giải mã bí ấn kiến trúc điện Kính Thiên” vào ngày 29/11 tới, giới thiệu các hiện vật khảo cổ học cùng với những mô hình kiến trúc kết hợp công nghệ trình chiếu Mapping, Media về thành tựu nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học, sử học và nghiên cứu so sánh với hệ thống kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á.

Phương Thúy/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/phuc-dung-dien-kinh-thien-phai-nghien-cuu-ki-va-ton-trong-cac-gia-tri-khoa-hoc-post1061975.vov