Phú Yên: Đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Những năm qua, tỉnh Phú Yên huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch để từng bước đưa ngành du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Khu danh thắng Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh – thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đang là điểm đến thu hút khách du lịch.

Khu danh thắng Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh – thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đang là điểm đến thu hút khách du lịch.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 198, ngày 8/11/2021 của UBND tỉnh Phú Yên thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó có việc định hướng phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới. Dự kiến tháng 10/2023 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai xây dựng Đề án Công viên địa chất Phú Yên hướng tới danh hiệu UNESCO.

Tỉnh Phú Yên thực hiện hoàn thành các quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; tiếp tục triển khai lập quy hoạch theo Chương trình tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được duyệt; triển khai lập nhiệm vụ quy hoạch các di tích: kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa.

Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa tại huyện Tuy An.

Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa tại huyện Tuy An.

Phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) gồm 23 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28.000 tỷ đồng; trong đó có 3 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch: Khu du lịch hồ Suối Bùn, huyện Sơn Hòa; Khu du lịch sinh thái đầm Ông Kinh - núi Mái Nhà, huyện Tuy An; Khu Thương mại - Dịch vụ du lịch sinh thái Công viên Bầu Hà, thị xã Đông Hòa.

UBND tỉnh Phú Yên cho phép một số nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu tài trợ các sản phẩm quy hoạch như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland; Công ty Cổ phần Tập đoàn TH; Liên danh Công ty Cổ phần Lã Vọng Group; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Tài chính Việt Nam.

Cùng với đó, tỉnh Phú Yên tập trung nguồn lực đầu tư một số dự án đường đến các điểm di tích, danh thắng và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, trong đó đầu tư mở rộng, nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến di tích quốc gia Thành An Thổ, huyện Tuy An; tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc kết nối Quốc lộ 1A đi Khu kinh tế Vân Phong; đầu tư Tuyến đường ven Vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (đoạn từ Bãi tắm Bàn Than đến Khu du lịch Nhất Tự Sơn) và dự án Tuyến đường dọc Vịnh Xuân Đài - Nhất Tự Sơn; triển khai các thủ tục đầu tư Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên đoạn từ Quốc lộ 1 (Miếu Ông Cọp) đến ngã ba Độc Lập - Lê Duẩn nối dài.

Khu vực quy hoạch cảng Bãi Gốc, xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa.

Khu vực quy hoạch cảng Bãi Gốc, xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa.

UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt nhiệm vụ, phương án kỹ thuật khảo sát điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Tuy Hòa thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050; quan tâm và sớm cho triển khai đầu tư cảng biển Phú Yên theo quy hoạch được duyệt trong giai đoạn trước 2030, trong đó chú trọng đầu tư Khu bến Bãi Gốc; hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.

Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ về 2 nhiệm vụ cấp quốc gia làm cơ sở phục vụ cho phát triển du lịch của tỉnh Phú Yên gồm: Nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản địa chất và các di sản khác làm cơ sở khoa học hướng tới thành lập Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên; Cơ sở khoa học cho việc hoạch định chiến lược Marketing trong liên kết du lịch bốn tỉnh Phú Yên - Bình Định - Đắk Lắk -Gia Lai.

Bãi Môn và Mũi Đại Lãnh tiềm năng phát triển du lịch biển đảo.

Bãi Môn và Mũi Đại Lãnh tiềm năng phát triển du lịch biển đảo.

Thời gian qua, UBND tỉnh Phú Yên làm việc với các đoàn Lãnh sự, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam (Ấn Độ, Úc, Cuba, Hungary, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức) để xúc tiến đầu tư, trong đó có lĩnh vực du lịch. Qua đó, cung cấp các thông tin về chính sách thu hút đầu tư, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Trong năm 2022, tỉnh Phú Yên tổ chức Đoàn làm việc tại Pháp; Hội nghị “Gặp gỡ Phú Yên - Israel”; Hội nghị “Hợp tác quốc tế phát huy giá trị di sản Công viên địa chất và du lịch bền vững tỉnh Phú Yên”. Năm 2023, thành lập Đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động các dự án, công trình góp phần hoàn thiện hạ tầng, phát triển kinh tế, tạo mỹ quan đô thị các địa phương trong tỉnh. Nhất là các công trình tại thành phố Tuy Hòa như: Tháp Nghinh Phong, hồ điều hòa Hồ Sơn, Công viên ven biển thành phố Tuy Hòa, góp phần kích thích đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng, cơ sở lưu trú, dịch vụ và làm phong phú, đa dạng các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến Phú Yên.

Khu du lịch Nhất Tự Sơn tại thị xã Sông Cầu.

Khu du lịch Nhất Tự Sơn tại thị xã Sông Cầu.

UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh; triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2023”; duy trì hoạt động và nâng cao chất lượng của các nhóm nghệ nhân, các câu lạc bộ đàn, hát dân ca, bài chòi, đội cồng chiêng phục vụ du lịch.

Tiếp tục triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Yên năm 2023. Hiện toàn tỉnh đã công nhận 92 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên của 46 chủ thể; các ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; một số sản phẩm đang dần khẳng định vị thế trên thị trường và được nhiều du khách lựa chọn mua sắm.

Đồng thời, từng bước khôi phục các làng nghề để trở thành điểm đến phục vụ du khách như: Làng nghề nước mắm Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu), làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng nghề thúng chai Phú Mỹ (huyện Tuy An), làng rau Ngọc Lãng (thành phố Tuy Hòa), làng văn hóa du lịch Lê Diêm (huyện Sông Hinh), Xí Thoại (huyện Đồng Xuân); nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với người dân đầu tư xây dựng mới nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn.

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-yen-dua-nganh-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-359941.html