Phú Yên: Di tích quốc gia đập Đồng Cam - điểm du lịch về lịch sử, văn hóa tâm linh

Hệ thống đập Đồng Cam không chỉ là công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Đập Đồng Cam, di sản mang nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa tâm linh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh đập Đồng Cam.

Công trình mang giá trị lịch sử gần 100 năm

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có ba con sông lớn chảy qua là sông Kỳ Lộ, sông Bánh Lái và sông Ba. Phú Yên có đặc điểm về địa hình, khí hậu, thủy văn, cùng hệ thống sông có độ dốc cao nên thừa nước vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Lưu lượng nước thất thường ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chỉ khai thác được một số vùng ở lưu vực sông Kỳ Lộ (sông Cái) và một số sông nhỏ nằm ở phía Tây tỉnh. Trong khi đó, vùng hạ lưu Tuy Hòa rộng lớn với lớp đất phù sa màu mỡ nhưng chỉ trồng được một vụ.

Hệ thống đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Phú Yên thế kỷ XX, để cấp nước tưới tiêu và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa và các xã phía nam huyện Tuy An. Công trình này là một trong những công trình có kiến trúc đặc biệt hình thành cách đây gần 100 năm được người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1924-1932 với hàng triệu ngày công lao động.

Hệ thống đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Phú Yên.

Năm 1889, các kỹ sư người Pháp đã tổ chức nghiên cứu để xây dựng công trình thủy lợi dẫn nước tưới và họ đặc biệt chú ý giải pháp đưa nước sông Ba tưới cho đồng bằng Tuy Hòa bằng hệ thống tự chảy. Từ ý tưởng và khảo sát ban đầu, mãi đến 15 năm sau, năm 1904, các kỹ sư người Pháp mới thật sự bắt tay vào nghiên cứu thiết kế hệ thống thủy nông Tuy Hòa.

Dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Desbos – bậc thầy khai sinh các công trình thủy lợi ở Đông Dương và kỹ sư Fayard trực tiếp thiết lập đồ án khái quát nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa thể triển khai. Đến năm 1920, kỹ sư Nordey tiếp tục hoàn thiện đồ án dưới sự hướng dẫn của kỹ sư trưởng Lefevre và đồ án chính thức được duyệt ngày 30/11/1923.

Đến năm 1924, công trình đập Đồng Cam chính thức khởi công xây dựng trên nền đá granit vững chãi, điều đó góp phần làm gia tăng độ bền vững và sự tổn tại lâu dài cho công trình. Toàn bộ thân đập dài 680m, nối từ núi Trù Các (nay thuộc xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa) ở bờ Bắc với núi Qui Hậu (nay thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) ở bờ Nam đưa nước vào đồng bằng; xây dựng hai kênh chính và các kênh nhánh ở hữu ngạn và tả ngạn, bảo đảm nguồn nước tưới cho 19.000 ha; xây dựng các công trình kênh vượt các sông suối mà các kênh chảy qua.

Đập Đồng Cam xây dựng trên nền đá granit vững chãi.

Để hoàn thành công trình này phải đào hơn 2 triệu m3 đất, phá 365 nghìn m3 đá, thi công hơn 20 nghìn khối bê tông cùng hàng trăm khối gỗ và hàng trăm tấn sắt thép. Việc xây đập tốn 19.000m3 đá granit, trong đó 1.000m3 xây bằng đá chẻ và 18.000m3 xây bằng đá hộc thường. Ngoài ra, tốn 12 tấn mìn phá hủy 22.000m3 đá ở bờ đá chắn ngang sông Ba. Số lượng công nhân được huy động trung bình một ngày khoảng 1.200 người.

Năm 1932, trải qua hơn 8 năm với sự lao động miệt mài từ hàng triệu ngày công lao động, toàn bộ đập chắn được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí xây dựng 302.620 đồng Đông Dương. Ngay từ khi công trình đập Đồng Cam đưa vào sử dụng, đồng bằng Tuy Hòa sản xuất ổn định 2 vụ/năm, nhanh chóng trở thành vựa lúa của miền Trung. Vùng nguyên liệu mía được hình thành, thúc đẩy sự ra đời của Nhà máy đường Đồng Bò.

Để tưởng nhớ những người đã mất khi xây dựng đập, người dân xây miếu dân phu để thờ, lập bia tưởng niệm và ngôi miếu Sơn Thần ngay cạnh con đập cùng 54 bậc tam cấp lên bia tưởng niệm tượng trưng cho 54 người đã khuất khi xây dựng công trình.

Địa chỉ du lịch văn hóa của Phú Yên

Hệ thống đập Đồng Cam không chỉ là công trình đại thủy nông có giá trị to lớn về mặt kỹ thuật mà còn có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc; là di sản văn hóa kết tinh công sức và trí tuệ của lớp người đi trước.

Đập Đồng Cam là một địa chỉ du lịch văn hóa của Phú Yên, bởi đến với Đồng Cam, chúng ta không chỉ nhìn ngắm phong cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, non nước, mà còn cảm nhận được giá trị lớn lao của cha ông trong quá trình khai sơn phá thạch, kiến tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đập Đồng Cam có cảnh quan phong cảnh hữu tình.

Từ lâu, ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm trở thành ngày hội đập Đồng Cam. Vào ngày này, đông đảo bà con nhân dân và du khách gần xa tụ hội về đây để thắp nén hương tưởng niệm những người đã mất khi xây dựng và bảo vệ đập. Với những giá trị của công trình về mặt kinh tế, lịch sử, văn hóa, tâm linh và cùng với quần thể cảnh quan non nước hữu tình, năm 2014, hệ thống công trình đầu mối đập Đồng Cam được UBND tỉnh Phú Yên xếp hạng di tích cấp tỉnh và tháng 9/2022 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng là di tích cấp quốc gia.

Nơi tôn thờ tiền nhân có công xây dựng đập Đồng Cam

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Minh Huệ - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam – đơn vị được UBND tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi Hệ thống thủy nông đập Đồng Cam cho biết: Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương chung tay bảo tồn và phát huy giá trị đập Đồng Cam xứng tầm với vị thế của một di tích cấp quốc gia. Đồng thời, xây dựng quy chế, nội quy bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ di tích đảm bảo theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan nhằm phát triển du lịch ở địa phương.

Người dân xây miếu dân phu để thờ, lập bia tưởng niệm và ngôi miếu Sơn Thần ngay cạnh con đập.

Ông Nguyễn Minh Huệ chia sẻ thêm: Vừa rồi, Công ty có công văn gửi UBND tỉnh Phú Yên đưa di tích cấp quốc gia đập Đồng Cam vào quy hoạch du lịch trong nhiệm kỳ 2025-2030 và báo cáo kiến nghị UBND tỉnh Phú Yên kêu gọi nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái để đập Đồng Cam trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh tại Phú Yên. Cùng đó, đơn vị phối hợp với địa phương quản lý, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh này hiệu quả, xem đây là niềm vinh dự, tự hào, là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di tích văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phu-yen-di-tich-quoc-gia-dap-dong-cam-diem-du-lich-ve-lich-su-van-hoa-tam-linh-356312.html