Phú Thọ xây dựng mới 71 mô hình điểm về tái hòa nhập cộng đồng

5 năm qua, Phú Thọ đã xây dựng mới 71 mô hình điểm về tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời giúp đỡ, giới thiệu 253 người chấp hành xong án phạt tù có công việc ổn định, với thu nhập trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Chị Đinh Thị Ngân ở khu Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn - vợ anh Hoàng Văn Toán (người vừa chấp hành xong án tù 3 năm) được giải ngân theo chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương (Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ).

Với vai trò chủ trì, triển khai thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Công an tỉnh đã chủ động giao chỉ tiêu về xây dựng các mô hình, cá nhân người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu tiến bộ trong công tác tái hòa nhập cộng đồng cho Công an cấp cơ sở. Hiện duy trì hoạt động hiệu quả 2 mô hình điểm trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, điển hình là mô hình “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ” của Công an xã Sơn Thủy - huyện Thanh Thủy; mô hình “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật” tại xã Quế Lâm - huyện Đoan Hùng.

Trong 5 năm, toàn tỉnh đã xây dựng mới 71 mô hình điểm về tái hòa nhập cộng đồng, qua đó giúp đỡ, giới thiệu 253 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu như “Hòa nhập để thay đổi” của Công an phường Tân Dân, thành phố Việt Trì; “Các tổ chức tự quản về ANTT trong công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng” của khu dân cư Bắc Tiến 1, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê; “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” của xã Hương Xạ, huyện Hạ Hòa; “Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” của xã Thọ Văn, huyện Tam Nông...

Gia đình anh Nguyễn Anh Tú, khu 2, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy được vay vốn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng phối hợp các tổ chức chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn chung tay cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, tránh xa các tệ nạn xã hội, không tái phạm, vi phạm pháp luật, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Thông qua sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã có 138 gương người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu tiến bộ về tái hòa nhập cộng đồng; hơn 2.000 người được xóa án tích, góp phần hạn chế tỷ lệ tái phạm, vi phạm pháp luật của số người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù, hàng năm số người tái phạm tội chỉ chiếm khoảng 1,5%.

Gia Minh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phu-tho-xay-dung-moi-71-mo-hinh-diem-ve-tai-hoa-nhap-cong-dong-210504.htm