Phú Thọ: Gần 12 tỉ đồng phát triển sản phẩm OCOP năm 2024

Năm 2024, tỉnh Phú Thọ dự kiến tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là hơn 11,8 tỉ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động tại địa phương.

Phú Thọ đề nghị Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Mì gạo sạch đạt hạng 5 sao.

Phú Thọ đề nghị Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Mì gạo sạch đạt hạng 5 sao.

Tỉnh Phú Thọ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đặc trưng có triển vọng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng có thị trường ổn định để nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn gắn với phát triển hợp tác xã, ngành nghề, làng nghề nông thôn, du lịch dịch vụ và kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm “OCOP Phú Thọ” có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và từng bước tiến tới xuất khẩu.

Hồng không hạt Gia Thanh là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Hồng không hạt Gia Thanh là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Cụ thể, phấn đấu hết năm 2024 Phú Thọ phát triển, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp thêm 80 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó: Phát triển 67 sản phẩm mới hạng 3 sao; 4 sản phẩm mới hạng 4 sao; 7 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 2 sản phẩm nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Lũy kế hết năm 2024 có 308 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm hàng hóa từ sản phẩm OCOP tăng trên 12% so với năm 2023; giải quyết việc làm cho khoảng 2.200 lao động, thu nhập tăng trên 10% so với năm 2023.

Bưởi Chí Đám - Đoan Hùng là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Bưởi Chí Đám - Đoan Hùng là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; có thêm 35-40 xã có sản phẩm tham gia; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 50%.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, năm 2023, toàn tỉnh có thêm 109 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên của tỉnh thành 237. Đề nghị Hội đồng cấp Trung ương đánh giá, phân hạng 2 sản phẩm OCOP có tiềm năng đạt hạng 5 sao là Chè búp tím và sản phẩm Mì gạo sạch.

Bảo Khánh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phu-tho-gan-12-ti-dong-phat-trien-san-pham-ocop-nam-2024/208502.htm