Phú Tân lắng nghe nguyện vọng của hộ nghèo

Bám sát các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo của Trung ương và tỉnh, thông tin cho hộ nghèo biết và thực hiện đầy đủ, kịp thời, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) xác định việc đối thoại với hộ nghèo là biện pháp hữu hiệu đầu tiên trước khi triển khai hỗ trợ.

Dự buổi đối thoại tại UBND xã Tân Hòa, ông Nguyễn Văn Phát (hộ nghèo, ngụ ấp Mỹ Hóa 2), cho biết, trước đây, ông chạy xe “honda ôm”, thu nhập ngày càng giảm nên đổi qua làm rẫy. Ông kết hợp cùng hộ khác theo thỏa thuận một bên có đất, một bên bỏ công làm rẫy, cuối vụ chia đôi.

Thấy nghề trồng rẫy có điều kiện phát triển, cộng thêm kinh nghiệm mấy năm nay, ông rất mong được vay vốn để tự thuê đất trồng cây màu ngắn ngày, cải thiện thu nhập cho gia đình thoát nghèo.

“Được tham gia đối thoại, tôi thấy phần trả lời của ngành chức năng thỏa đáng, dễ hiểu. Những thông tin về chính sách vay vốn, học nghề rất có ích cho người dân, tùy theo hoàn cảnh sẽ được hỗ trợ phù hợp” - ông Phát chia sẻ.

Đối thoại với hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp và hiệu quả

Tại xã Hiệp Xương, chị Trần Thị Thảo (hộ cận nghèo ấp Hiệp Thạnh) bày tỏ: “Tôi đã học nghề bó chổi, có giấy chứng nhận và làm nghề bó chổi hơn 1 năm nay, thu nhập khá ổn. Tôi mong được hỗ trợ tiền để mua nguyên liệu bông sậy, làm ra nhiều sản phẩm hơn nhằm sớm có điều kiện thoát diện cận nghèo”.

Ngụ cùng ấp, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (hộ diện cận nghèo) cho biết, kế sinh nhai của gia đình chị là giăng lưới, làm mướn, hái rau muống bán… Chiếc xe cũ kỹ gia đình chị đang có sau nhiều năm ròng rã đã quá cũ kỹ, không thể chở nhiều hàng và chạy đường xa.

Chị mong muốn được vay số tiền phù hợp điều kiện và khả năng chi trả để mua chiếc xe mới, mở rộng phạm vi bán hàng. Bên cạnh đó, gia đình chị Tuyết rất cần chi phí xây nhà vệ sinh hợp chuẩn, mong được giới thiệu vốn vay để sinh hoạt trong cuộc sống thuận tiện hơn.

Hầu hết buổi đối thoại diễn ra tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đại diện hộ nghèo, cận nghèo nêu những mong muốn, nguyện vọng rất thực tế và chính đáng. Nhờ đối thoại, họ còn được giải đáp những vấn đề bức xúc, thông tin về chính sách vay vốn, hỗ trợ sinh kế, học nghề, tạo việc làm… Những ý kiến của hộ nghèo, cận nghèo được ghi nhận và giải đáp. Ngay sau đó, chính quyền các xã, thị trấn đến từng hộ để trao đổi, nhằm định hình rõ thêm về khả năng vay, tình hình thực tế… trên tinh thần tháo gỡ, giúp đỡ.

Điển hình với chính sách học nghề, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân Đặng Hồng Thái thông tin, hiện nay, có nhiều nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp thanh niên trong độ tuổi lao động, kể cả những người lớn tuổi để có thể vừa chăm sóc gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi.

Nghề được lựa chọn đào tạo dựa trên tiềm năng việc làm tại địa phương, kết nối với những làng nghề truyền thống, ra nghề có thu nhập. Ngoài ra, người dân còn được học mô hình sinh kế chăn nuôi, trồng trọt, khi được hỗ trợ con giống sẽ vận dụng kinh nghiệm chăn nuôi hiệu quả hơn. Tham gia học nghề, hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước lo hết về học phí (đối với các nghề sơ cấp). Trong thời gian học còn được hỗ trợ tiền đến lớp, đi lại...

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Tân Võ Thanh Tùng, đối thoại với hộ nghèo là hình thức tuyên truyền trực tiếp. Đến nay, huyện đã tổ chức xong ở 18 điểm tuyên truyền tại các xã, thị trấn, tổng cộng 1.200 hộ nghèo, cận nghèo, vừa mới thoát nghèo và cận nghèo tham dự. Ngành chức năng của huyện và chính quyền, đoàn thể của địa phương thông tin chính sách về chương trình giảm nghèo cho người dân và đối tượng thụ hưởng. Trong đó, tập trung là Dự án sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo - một trong những chính sách mới và ưu đãi của Nhà nước nhằm giúp họ có điều kiện căn cơ về việc làm ổn định thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Tính đến cuối năm 2023, toàn huyện Phú Tân còn 1.458 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,74% và 3.036 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,7%. Năm 2024, huyện đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,5% và hộ cận nghèo giảm 1,5%. Những chính sách đồng bộ thực hiện thời gian qua, như: Tín dụng việc làm, hỗ trợ bảo hiểm y tế, ưu đãi về giáo dục, hỗ trợ về pháp lý, lao động việc làm, học nghề… tập trung cho mô hình giảm nghèo là giải pháp căn cơ nhất.

Năm 2024, huyện Phú Tân được hỗ trợ vốn để thực hiện công tác giảm nghèo trên 12 tỷ đồng. Để giải ngân hết nguồn vốn này, cần nhất là đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân và đối tượng thụ hưởng chương trình thông suốt, hiểu rõ các chính sách hỗ trợ, điều kiện tiếp nhận và phương thức sử dụng để đồng vốn đạt hiệu quả cao nhất.

Hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và diện cận nghèo là đối tượng thụ hưởng các chính sách từ chương trình giảm nghèo bền vững. Phần lớn hộ dân rơi vào hoàn cảnh nghèo do thiếu tư liệu sản xuất, vốn làm ăn và điều kiện căn cơ để tạo việc làm. Trong quá trình giúp đỡ hộ nghèo và cận nghèo, nhiệm vụ của ngành chức năng là tháo gỡ, giải tỏa những khó khăn xoay quanh các điều kiện đó

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phu-tan-lang-nghe-nguyen-vong-cua-ho-ngheo-a393703.html