'Phụ nữ vô hình': Cần nhận thức lại phụ nữ trong dữ liệu giới

Sự kiện giới thiệu sách 'Phụ nữ vô hình' của tác giả Caroline Criado Perez do Huy Hoàng Bookstore và Nxb Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Phố sách Hà Nội vừa qua, đã đưa ra những câu chuyện về sự bất bình đẳng giới và lỗ hổng dữ liệu khổng lồ về giới góp phần bảo vệ, trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.

Hầu hết lịch sử thành văn của nhân loại là một lỗ hổng dữ liệu khổng lồ. Khởi đầu từ thuyết “Đàn ông săn bắn”, các nhà chép sử trong quá khứ đã gần như không chừa một chỗ nào để ghi nhận vai trò của phụ nữ trong quá trình tiến hóa của loài người, cả về phương diện văn hóa lẫn sinh học.

Thay vào đó, cuộc sống của đàn ông được lấy làm đại diện cho đời sống của toàn bộ nhân loại. Còn khi nói đến cuộc sống của nửa còn lại của loài người, mọi thứ thường chỉ là một sự im lặng.

Các diễn giả giao lưu tại sự kiện.

Trong cuốn sách Phụ nữ vô hình, Caroline Criado Perez đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của mình về một thế giới vắng bóng phụ nữ trong ba chủ đề chính: Cơ thể phụ nữ, gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình không lương, và bạo lực với nữ giới do nam giới gây ra.

Những khoảng trống câm lặng này đầy rẫy khắp nơi trong nền văn hóa của chúng ta. Phim ảnh, tin tức, văn học, khoa học, quy hoạch đô thị, kinh tế, khi nó tạo ra hầu hết các chuẩn mực xã hội – từ các thuật toán, các đong đếm liều lượng thuốc cho đến chính sách của chính phủ.

Lỗ hổng dữ liệu về phụ nữ hiện diện ở khắp ngõ ngách: trong đời sống hằng ngày, nơi làm việc, các thiết kế, ở bệnh viện, chốn công cộng hay khi tai ương ập đến.

James Zou, phó giáo sư khoa học y sinh tại Stanford, cũng đưa ra ví dụ, nếu gõ “lập trình viên máy tính” trên một chương trình nào đó và không may, chương trình ấy được đào tạo bằng tệp dữ liệu luôn liên kết cụm từ đó với nam giới nhiều hơn nữ giới. Thuật toán đó có thể cho rằng trang web của một lập trình viên nam sẽ phù hợp hơn so với một lập trình viên nữ - “Thậm chí hai trang web đó giống hệt nhau, chỉ khác tên và đại từ giới tính.”

Ngoài ra, một nghiên cứu quốc tế năm 2007 về 25.439 nhân vật truyền hình dành cho trẻ em cho thấy chỉ có 13% nhân vật không phải người là nữ (số lượng nhân vật người là nữ thì cao hơn một chút, mặc dù vẫn chỉ là 32%).

Lỗ hổng dữ liệu khổng lồ về nữ giới, nó cũng là lý do tại sao trang Wikipedia về đội tuyển Bóng đá Quốc gia Anh chỉ nói về đội tuyển nam, trong khi trang về đội tuyển nữ được gọi hẳn là đội tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia Anh. Và nó cũng là lý do tại sao vào năm 2013, Wikipedia lại chia các nhà văn thành: “Các tiểu thuyết gia Mỹ” và “Các nữ tiểu thuyết gia Mỹ.”

Còn rất nhiều dẫn chứng cụ thể khác về sự vô hình của phụ nữ nằm trong cuốn sách Phụ nữ vô hình.

Tất cả đều in hằn – đến méo mó – một sự “hiện diện khuyết thiếu” mang dáng hình phụ nữ. Bởi vì phụ nữ chưa được nhìn thấy và chưa được ghi nhớ, bởi vì dữ liệu của nam giới chiếm phần lớn những gì chúng ta biết nên những gì thuộc về nam giới được nhìn nhận là phổ quát. Nó dẫn đến kết quả là phụ nữ, một nửa dân số toàn cầu, bị định vị là thiểu số với bản sắc bị coi như cá biệt và một quan điểm bị coi là chủ quan. Đây chính là lỗ hổng dữ liệu giới.

Một trong những điểm quan trọng nhất cần nói rõ về lỗ hổng dữ liệu giới là nó thường không sinh ra từ ác ý, thậm chí người ta còn không hề cố ý. Thực tế là ngược lại. Nó đơn giản chỉ là sản phẩm của một lối suy nghĩ đã tồn tại hàng thiên niên kỷ nay và do đó đã trở thành một dạng mặc định. Thậm chí còn là hai-lần-mặc-định: mỗi khi nhắc về con người nói chung thì hiển nhiên đó là nói về đàn ông và tất nhiên là không phải nói về phụ nữ.

Theo diễn giả Mai Quỳnh Anh chia sẻ thì “lỗ hổng về dữ liệu cũng là một cách lý giải rất thú vị về tình trạng bất bình đẳng giới. Như câu chuyện của Sheryl Sandberg, COO của Google, phải đến khi Google có một lãnh đạo đã là phụ nữ, lại còn mang thai, họ mới thấy sự cần thiết của một vĩ trí đỗ xe thuận lợi cho phụ nữ mang thai.

Mặc dù rõ ràng họ có thể chủ động khảo sát nhân sự, tham khảo các thiết kế văn phòng có nhạy cảm giới hơn để đưa ra điều chỉnh thích hợp chứ không phải đợi đến khi có một phụ nữ làm lãnh đạo tác động. Chúng ta cần thêm nhiều câu chuyện được kể từ những người phụ nữ với đa dạng vai trò, địa vị trong xã hội để bức tranh về giới được sáng tỏ hơn”.

Chúng ta không chỉ thiếu dữ liệu về phụ nữ nói chung mà khi nói đến phụ nữ da màu, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ thuộc tầng lớp lao động thì thậm chí trên thực tế chưa hề tồn tại dữ liệu nào. Điều quan trọng nữa là với tất cả những dữ liệu được trình bày trong cuốn sách, liệu chúng ta có thể tiếp tục khăng khăng rằng lỗ hổng dữ liệu giới chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khổng lồ hay không?

Bìa sách Phụ nữ vô hình.

Việc thiếu vắng tiếng nói phụ nữ là nguyên nhân rất lớn dẫn đến một hệ quả ngoài ý muốn: đó là thái độ thiên vị nam giới mà người ta vẫn hay lầm tưởng (dù thường là với thiện ý) đó là “trung tính về giới” hay “không phân biệt nam nữ”.

Nhà ủng hộ nữ quyền nổi tiếng Caroline Criado Perez đã điều tra nguyên nhân gốc rễ gây sốc của bất bình đẳng giới trong Phụ nữ vô hình. Được xây dựng dựa trên hàng trăm nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và khắp thế giới, đồng thời được viết bằng ngòi bút tràn đầy năng lượng, sự hóm hỉnh và trí thông minh tuyệt vời, cuốn sách là một sự thức tỉnh mang tính đột phá, hứa hẹn sẽ thay đổi cách nhìn thế giới.

Thạch Thảo

___________

* Caroline Criado Perez là nhà văn, phát thanh viên, biên tập viên truyền hình và nhà vận động nữ quyền. Năm 2013, Caroline nhận giải thưởng Nhà Vận động Nhân quyền. Năm 2015, cô được vinh danh Sĩ quan Đế chế Anh (OBE) trong lễ vinh danh nhân dịp sinh nhật của nữ hoàng. Năm 2020, cô nhận được giải thưởng HÄN (cơ hội bình đẳng) của Phần Lan vì thành tựu thúc đẩy bình đẳng và năm 2021 cô nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại học Lincoln.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phu-nu-vo-hinh-can-nhan-thuc-lai-phu-nu-trong-du-lieu-gioi-38641.html