Phụ nữ Việt với tinh thần hội nhập quốc tế

Trong quá trình hội nhập chung của đất nước, hoạt động hội nhập quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam liên tục được tăng cường, đổi mới và phát huy mạnh mẽ.

Hội thảo “Lãnh đạo nữ truyền cảm hứng” với các thành viên mạng lưới tại Nghệ An. (Nguồn: Hội LHPN Việt Nam)

Với vai trò tập hợp, dẫn dắt phong trào phụ nữ cả nước, Hội LHPN Việt Nam đã học hỏi, áp dụng một cách linh hoạt kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.

Những ví dụ điển hình như tín dụng vi mô học từ Ngân hàng Grameen đã trở thành tổ chức đi đầu cả nước về tín dụng vi mô, nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế của phụ nữ; mô hình “Ngôi nhà Bình yên” (với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức từ Tây Ban Nha, Hà Lan...) đã trở thành mô hình tạm lánh và trợ giúp toàn diện cho các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.

Bắt kịp xu hướng thế giới

Xác định công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã chủ động vận động nguồn lực quốc tế từ các nguồn đa dạng: tổ chức chính phủ, tổ chức Liên hợp quốc, liên chính phủ đến phi chính phủ, các nhà hảo tâm...

Giai đoạn 2017-2022, Trung ương Hội vận động được các khoản viện trợ trị giá hơn 9,5 triệu USD. Đồng thời, khi triển khai các chương trình, dự án quốc tế, năng lực, trình độ của cán bộ Hội và phụ nữ các cấp cũng được nâng lên rõ rệt, kể cả ngoại ngữ, tin học, quản lý...

Cần phải kể đến các chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của quốc tế như trong chương trình hợp tác với Australia, có gần 60 cán bộ Hội và cán bộ nữ của các bộ ngành được đào tạo bồi dưỡng tại Australia và Việt Nam từ năm 2008 đến nay.

Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), đã có 7 cán bộ Hội tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ EWHA – KOICA tại Hàn Quốc. Ngoài ra cán bộ Hội còn được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án 165...

Hội cũng đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, như Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc 10 năm qua trở thành thương hiệu của Hội.

Các diễn đàn này thường quy tụ các lãnh đạo cấp cao, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực như SDG, chuyển đổi số, phụ nữ, hòa bình và an ninh, an ninh mạng... Qua đó, Hội trở thành điểm gặp gỡ của các đối tác trong và ngoài nước có cùng quan tâm đến vấn đề phụ nữ và phát triển.

Đặc biệt, hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng. Hội đón tiếp nhiều nguyên thủ, phu nhân lãnh đạo các nước, đón các sinh viên, tình nguyện viên nước ngoài, các mô hình hợp tác quốc tế đa dạng ở cộng đồng, như “Người mẹ thứ hai” đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia học tại Việt Nam.... Hội cũng vinh dự được Ban Đối ngoại Trung ương tặng Cờ thi đua “Tập thể dẫn đầu trong công tác đối ngoại nhân dân năm 2023”.

Bà Trần Lan Phương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới trải qua nhiều biến động to lớn, các chương trình nghị sự quốc tế về phụ nữ và phát triển cũng có nhiều yếu tố mới, Hội đã bám sát chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa trong triển khai các hoạt động đối ngoại.

Bà khẳng định: “Hội đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng mới trong các chương trình nghị sự quốc tế về phụ nữ và phát triển để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với công tác phụ nữ, các phong trào phụ nữ cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, tạo tiền đề xây dựng nền tảng xã hội tích cực và thuận lợi cho quan hệ của Việt Nam với các nước”.

Các thành viên Câu lạc bộ “Hội nhập quốc tế phụ nữ về môi trường” tỉnh Quảng Bình tham gia tập huấn, tháng 9/2022. (Nguồn: Hội LHPN Việt Nam)

Chú trọng hỗ trợ phụ nữ hội nhập

Đặc biệt từ năm 2021, nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với phụ nữ trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030.

Nghị quyết ra đời giúp định hướng các hoạt động đối ngoại và hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế trong hệ thống Hội, đồng thời tạo điều kiện để các cấp Hội đề xuất cơ chế, nguồn lực cho các hoạt động liên quan.

Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và năng lực hội nhập quốc tế của cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ để tham gia đóng góp vào tiến trình hội nhập chung của đất nước, Trung ương Hội cũng hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành tăng cường hơn nữa các hoạt động, mô hình hội nhập quốc tế.

Đây là những mô hình được xây dựng dựa trên các hoạt động hoặc câu lạc bộ truyền thống của Hội nhưng được bổ sung các nội dung mang yếu tố quốc tế hoặc nội dung đặc biệt cần thiết cho chị em phụ nữ trong quá trình hội nhập quốc tế.

Các chương trình, đề án hiện có của trung ương và địa phương cũng được yêu cầu bổ sung, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, như hội nhập về môi trường, đảm bảo an ninh mạng, lãnh đạo nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Đáng chú ý, Trung ương Hội đã thí điểm xây dựng mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ hội nhập quốc tế trên môi trường mạng” tại ba xã, phường ở Hà Tĩnh; tổ chức nhiều lớp tập huấn về ứng dụng khoa học công nghệ cho tổ nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, thương mại điện tử, tài chính toàn diện, du lịch và ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh... gắn với hội nhập quốc tế, cho Hội LHPN 63 tỉnh, thành; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về công tác đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế tại ba miền trong khuôn khổ Dự án 8; tổ chức hoạt động thúc đẩy vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong STEM (Diễn đàn STEM cùng UN Women, Ngày hội “Mẹ và con với STEM” ở Hưng Yên)...

Hiện nay, một số tỉnh, thành Hội đã xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực như mô hình “Tổ phụ nữ bảo vệ đường biên mốc giới”, Câu lạc bộ “Phụ nữ hội nhập quốc tế về môi trường”... Có thể nói, các mô hình với tính ứng dụng cao này đã giúp cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế cho lãnh đạo nữ địa phương cũng như phụ nữ cơ sở.

Nhiệm vụ cấp bách, chiến lược

Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục triển khai hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, kinh tế, chính trị... Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế được xác định là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược.

Theo đó, các cấp Hội tiếp tục đầu tư cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng môi trường thuận lợi để phụ nữ chủ động hội nhập và thụ hưởng xứng đáng từ quá trình hội nhập của đất nước.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, công tác này càng được liên tục điều chỉnh, tiếp thu các yếu tố mới nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ chủ động, tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bám sát định hướng, chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong đó chú trọng tới việc nghiên cứu, chủ động nắm bắt những vấn đề mới về phụ nữ và phát triển trong các chương trình nghị sự quốc tế, xu hướng vận động của các phong trào phụ nữ thế giới; đồng thời tranh thủ các cơ hội và yếu tố thuận lợi trong nước để tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế".

LÊ AN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phu-nu-viet-voi-tinh-than-hoi-nhap-quoc-te-263408.html