Phụ nữ Mai Sơn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Những năm qua, Hội LHPN huyện Mai Sơn đã tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đặc biệt, tích cực tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Phụ nữ bản Phiêng Trai, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn truyền dạy kỹ thuật dệt vải cho con cháu.

Bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Trên địa bàn huyện có 5 dân tộc, gồm Thái, Mông, Mường, Khơ Mú và Kinh cùng chung sống. Mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng, với những giá trị truyền thống được thể hiện qua trang phục, tiếng nói, nghề truyền thống, các lễ hội, phong tục, tập quán, nghi lễ... Góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các cơ sở hội đã thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ những giá trị văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 364 câu lạc bộ và đội văn nghệ quần chúng tổ, bản, nòng cốt là hội viên phụ nữ, thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn trong các dịp lễ, tết, sự kiện tại địa phương, góp phần bảo tồn, quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ huyện chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phối hợp tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc cho hội viên phụ nữ. Tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn học hỏi kiến thức, nâng cao tay nghề; hỗ trợ vốn vay cho chị em khởi nghiệp từ các nghề truyền thống.

Từ năm 2020 đến nay, Hội Phụ nữ xã Phiêng Cằm đã thành lập tổ thêu thổ cẩm dân tộc Thái, tổ liên kết thêu thổ cẩm trang phục dân tộc Mông và nhóm phụ nữ hát và sử dụng nhạc cụ dân tộc ở các bản Noong Tầu Thái, Noong Tầu Mông và Hua Nà. Các tổ, nhóm có từ 10-20 hội viên, duy trì hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như: Thường xuyên mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hằng ngày; duy trì tiếng nói, phong tục tập quán của người Khơ Mú, Thái, Mông. Đồng thời, sưu tầm các bài hát, điệu múa, nhạc cụ dân tộc, truyền dạy kỹ thuật thêu, may của dân tộc cho hội viên phụ nữ và trẻ em.

Chị Hàng Thị Dợ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Noong Tầu Mông, xã Phiêng Cằm, chia sẻ: Người phụ nữ dân tộc Mông khi còn nhỏ đã được các mẹ, các bà dạy trồng lanh để lấy sợi dệt vải; dạy vẽ, thêu các loại hoa văn, họa tiết trên váy áo, chăn, vỏ gối phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Dệt vải, thêu thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng được duy trì qua nhiều thế hệ và được xem là tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ Mông khi đến tuổi trưởng thành. Những năm gần đây, chúng tôi đã liên kết hội viên cùng sở thích để làm dịch vụ thêu, may váy áo trang phục dân tộc Mông bán cho khách du lịch.

Đến bản Mé, xã Mường Bon, ngoài được trải nghiệm dịch vụ câu cá, thưởng thức ẩm thực mang đậm chất của đồng bào dân tộc Thái, chúng tôi còn được hòa mình vào các điệu múa xòe, nhảy sạp... của các thành viên đội văn nghệ do phụ nữ ở địa phương thành lập. Chị Tòng Thị Hồng, đội trưởng đội văn nghệ bản Mé, cho biết: Bản đã thành lập 2 đội văn nghệ, duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, phục vụ cho khách du lịch khi đến tham quan, trải nghiệm và góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trên địa bàn.

Với những việc làm thiết thực, Hội LHPN huyện Mai Sơn đã làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, góp phần tạo nên tính bền vững các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/phu-nu-mai-son-gin-giu-va-phat-huy-ban-sac-van-hoa-dan-toc-iIQ6DSkSg.html