Phụ nữ làng đi dép nhựa, đội nón lá vung gậy chơi môn thể thao quý tộc châu Âu

Bóng cửa - môn thể thao dành cho giới quý tộc châu Âu từ thế kỷ XIII đang được những người cao tuổi ở một làng ngoại thành Hà Nội chơi say mê, rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

20 năm qua, vào các buổi chiều hàng ngày, khoảng sân lớn phía sau Nhà văn hóa thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) trở thành nơi tập luyện, thi đấu bóng cửa độc đáo. "Vận động viên" và khán giả chủ yếu là phụ nữ tuổi từ ngoài 50 đến hơn 80.

Bóng được làm bằng nhựa đặc. Luật chơi không quá phức tạp, còn người tham gia thi đấu không cần dùng nhiều sức. Mỗi một lượt đánh, "vận động viên" chỉ cần dùng gậy để đánh bóng qua các khung nhỏ, được gọi là “cửa” để ghi điểm. Do môn bóng cửa chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam, việc tìm mua thiết bị và dụng cụ phục vụ trò chơi này rất khó. “Chúng tôi phải nhờ người đặt bóng và gậy ở tận cửa khẩu mang về”, bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Xuân Bách chia sẻ.

Gậy có giá 800.000 đồng, còn bóng một bộ 10 quả là 1,3 triệu đồng. Ông Nguyễn Long An, một người chơi có kinh nghiệm gần 20 năm đã tìm tòi và tự chế ra chiếc gậy đánh bóng bằng gỗ. "Tay cầm tôi xin từ các hàng bi-a về chuốt lại cho nhỏ, còn hai đầu sắt đánh bóng thì tôi cưa từ củ đề xe máy. Gậy thật trọng lượng 760g, còn gậy tôi làm cũng nặng cỡ 730-740g”, ông An nói.

Trước khi trận đấu kéo dài 30 phút bắt đầu, bà Xuân mang chiếc đồng hồ từ nhà tới sân treo lên tường để theo dõi thời gian.

Tổng cộng có 10 "vận động viên" mỗi trận, chia làm hai đội chẵn và lẻ. Đội lẻ đánh bóng màu đỏ, còn đội chẵn đánh bóng màu trắng. Mỗi người chơi đánh 1 bóng từ vạch xuất phát cho tới hết 3 cửa.

Giống như các môn bóng khác, bóng cửa cũng có đường biên, được đánh dấu bằng sợi chỉ nhỏ. “Người tham gia thi đấu đang đứng bên trong, khi muốn ra khỏi sân phải xin phép, nếu không sẽ bị mất lượt đánh.

Cửa “nhập môn” số 1 chỉ cách vạch xuất phát khoảng 2m. Các cửa đều rộng 20cm, cao 20cm. Để đánh bóng lọt qua, người chơi cần căn ke rất kỹ.

Bà Tạ Thị Thủy, một "vận động viên" đã 3 năm kinh nghiệm đang căn cho bóng vào cửa số 3. “Từ ngày chơi bóng cửa, tôi thấy mình khỏe ra, tinh thần cũng thoải mái hơn nhiều”, bà Thủy chia sẻ.

Bà Lê Thị Thi đang thực hiện thao tác điều bóng, đánh bóng của đội mình qua cửa. “Lúc mới bắt đầu chơi cũng thấy khó, nhưng làm quen được một thời gian tôi thấy thích lắm”, bà kể.

Bà Nguyễn Thị Tý, người chơi có kinh nghiệm 5 năm vui mừng sau quả bóng vừa đánh lọt qua cửa. “Đây là một sân chơi bổ ích. Ngày nào tôi cũng ra đây chơi. Sáng đánh, chiều cũng đánh”, bà Tý khoái chí.

Ở phía ngoài đường biên, người chơi của các đội làm khán giả rất tập trung theo dõi diễn biến trận đấu. Họ liên tục bàn tán về những pha đánh bóng.

Ngoài phụ nữ cũng có nhiều đàn ông tham gia thi đấu bóng cửa. Ông Nguyễn Văn Kính, người chơi có kinh nghiệm 2 năm liên tục chỉ chiến thuật cho đồng đội. Mặc dù vậy, ông vẫn tự nhận mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong môn thể thao đặc biệt này.

Ông Đỗ Văn Ích nhờ có 20 năm kinh nghiệm chơi bóng cửa nên luôn được người chơi của các đội tin tưởng cho làm quân sư. “Trò này giống như một trò đấu trí. Ngoài tính toán chiến thuật, mình còn phải kết hợp cả sự khéo léo và tính đồng đội để giành chiến thắng”, ông Ích nói.

Tuy hôm nay chỉ là buổi luyện tập nhưng những thành viên của đội bóng cửa thôn Xuân Bách vẫn tập trung đông đủ. Họ đến đây không chỉ bởi niềm vui, sức khỏe mà còn để thỏa niềm đam mê đối với môn thể thao này.

Bóng cửa (tên tiếng Anh là croquet) là một môn thể thao dành cho giới quý tộc tại châu Âu. Ra đời từ thế kỷ XIII nhưng cho tới khoảng hơn 20 năm trước, môn bóng cửa này mới dần phổ biến ở Việt Nam. Không giống ở châu Âu, những người chơi ở Việt Nam làm cho môn thể thao này gần gũi và dân dã hơn. Ai cũng có thể tham gia tìm hiểu và thi đấu. Cho tới nay, đã có nhiều cuộc thi bóng cửa được tổ chức ở quy mô làng, xã, huyện.

Tuấn Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phu-nu-lang-di-dep-nhua-doi-non-la-vung-gay-choi-mon-the-thao-quy-toc-chau-au-2201247.html