Phụ nữ lần đầu tham gia 'lễ hội khỏa thân' 1.250 năm tuổi ở Nhật Bản

Phụ nữ đã chính thức tham gia 'lễ hội khỏa thân' tại một ngôi đền ở miền trung Nhật Bản vào thứ Năm (22/2), đánh dấu sự tham gia đầu tiên của phụ nữ trong lịch sử 1.250 năm của lễ hội.

7 nhóm phụ nữ đã tham gia vào nghi lễ được cho là để xua đuổi tà ma và là nơi mọi người cầu nguyện cho hạnh phúc. Mặc dù có tên như vậy nhưng những người phụ nữ tham gia không hề khỏa thân. Họ mặc áo choàng màu xanh và hào hứng cùng nhau vác một thân tre lớn làm lễ vật.

 Phụ nữ lần đầu tiên tham gia lễ hội khỏa thân sau 1250 năm tại đền Owari Okunitama (còn được gọi là đền Konomiya) ở Inazawa, tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản ngày 22 tháng 2 năm 2024 . Ảnh: Reuters

Phụ nữ lần đầu tiên tham gia lễ hội khỏa thân sau 1250 năm tại đền Owari Okunitama (còn được gọi là đền Konomiya) ở Inazawa, tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản ngày 22 tháng 2 năm 2024 . Ảnh: Reuters

Trong lễ hội, những phụ nữ mặc Happi (áo khoác dài đến hông) và quần đùi thường được mặc trong các lễ hội Nhật Bản, trong khi nam giới chỉ mặc khố ngắn tương tự như trang phục của các đô vật sumo.

Bà Emi Tachibana, một công chức 59 tuổi, một trong những phụ nữ tham gia lễ hội, cho biết: "Tôi nghe nói phụ nữ có thể tham gia nên tôi chắc chắn muốn tham gia để mang lại sự sôi động cho thị trấn và lễ hội này".

Trong khi nhiều người cho rằng lễ hội cấm phụ nữ tham gia, thì linh mục Naruhito Tsunoda tại ngôi đền cho biết chưa bao giờ có lệnh cấm phụ nữ và trước đây một số phụ nữ vẫn đến lễ hội thực hiện các lễ cúng nhỏ. Cho đến năm ngoái, khi một nhóm phụ nữ hỏi liệu họ có thể tham gia lễ hội hay không, câu trả lời "có" đã thu hút nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ trong lễ hội năm nay.

"Tôi tin điều quan trọng nhất là phải có một lễ hội vui vẻ cho mọi người. Tôi nghĩ thần linh cũng sẽ hài lòng về điều này", vị linh mục nói.

Tuy nhiên, những người phụ nữ không được phép tham gia sự kiện chính của lễ hội - "cuộc chiến" giữa hàng nghìn người đàn ông chỉ mặc khố để cố gắng chạm vào một người đàn ông hoàn toàn khỏa thân được chọn làm shin-otoko (vị thần trong tiếng Nhật) để cầu may trong năm mới. Ông Tsunoda cho biết sẽ rất khó để cho phép phụ nữ tham gia sự kiện này do khía cạnh thể chất.

Năm ngoái, chính quyền Nhật Bản cho biết sẽ thúc đẩy cải thiện sự góp mặt của phụ nữ trong các sự kiện xã hội, sau khi một báo cáo thường niên cho thấy nước này đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới tính.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2023, Nhật Bản xếp thứ 125 trên 146 quốc gia ở bảng xếp hạng bình đẳng giới, giảm từ vị trí thứ 116 vào năm 2022.

Hoài Phương (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phu-nu-lan-dau-tham-gia-le-hoi-khoa-than-1250-nam-tuoi-o-nhat-ban-post285518.html