Phụ nữ Khmer làm kinh tế giỏi

Bằng mô hình chăn nuôi gà, chị Trần Thị Ngọc Hương - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã có nguồn thu nhập ổn định, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ về tinh thần vượt khó vươn lên.

Năm 2012, chị Hương bắt đầu tham gia công tác phụ nữ, sau đó được hội viên tín nhiệm chọn làm Chi hội phó Chi hội Phụ nữ ấp Cần Giờ 2. Đây cũng là ấp vùng sâu của xã Tham Đôn với đa số là bà con dân tộc Khmer. Là người phụ nữ chăm chỉ, siêng năng, luôn tìm tòi để phát triển kinh tế, chị Ngọc Hương nhiều năm liền gắn với mô hình chăn nuôi, dù chỉ với quy mô nhỏ nhưng cũng mang lại nguồn thu ổn định. Năm 2018, chị Hương tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gà do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Xuyên tổ chức. Tham gia khóa học, chị học được kiến thức cơ bản trong chăn nuôi. Chị Hương đã mạnh dạn đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tham Đôn hỗ trợ vay vốn từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỹ Xuyên với số tiền là 40.000.000 đồng, chị mua 300 con giống gà thả vườn và kết hợp mua thêm bò về nuôi, đến nay đang gần ngày xuất chuồng.

Lứa gà gần ngày xuất chuồng của chị Hương. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Lứa gà gần ngày xuất chuồng của chị Hương. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Chị Hương cho biết: “Trước đây, nhà tôi cũng đầu tư nuôi gà, vịt nhiều nhưng bán số lượng nhỏ và dùng làm thực phẩm cho gia đình. Sau khi được tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, tôi có thêm kiến thức phòng trị bệnh cho gà nên lứa gà này tôi nuôi rất đạt, qua 2,5 tháng nuôi đạt trọng lượng từ 1,8 - 2kg, thịt gà thả vườn ăn dai, ngon như gà nhà nên bán rất chạy. Sau lứa gà đầu, tôi tiếp tục mở rộng đàn và luôn duy trì trong chuồng 200 - 300 con gà thịt”.

Chị Ngọc Hương cũng thông tin thêm, thông thường giống gà ta nuôi khoảng 4 tháng là có thể bán ra thị trường, nhưng với gà thả vườn thì chỉ 2,5 tháng đã đạt trọng lượng 1,8 - 2kg, giống gà này cũng thích hợp tại địa phương. Bên cạnh đó chất lượng thịt rất tốt, nguồn gốc con giống rõ ràng nên chị an tâm trong việc đầu tư nuôi. Hiện chị Hương nuôi gà theo mô hình nuôi nhốt chuồng và sử dụng đệm lót sinh học, áp dụng thêm kỹ thuật đã học nên hạn chế được tỷ lệ hao hụt cũng như dịch bệnh. Chị Hương luôn duy trì trong chuồng từ 200 - 300 con và nuôi theo kiểu nối tiếp, nên thường xuyên có gà cung ứng cho thị trường. Hiện giá gà thịt từ 60 - 70 ngàn đồng/kg, những lúc cao điểm như Tết, giá tăng cao hơn, khoảng 80 ngàn đồng/kg và được người dân, thương lái đến đặt mua tại nhà, giúp chị có nguồn thu ổn định. Trước hiệu quả của mô hình này, chị dự tính sắp tới sẽ xây thêm chuồng trại và tăng lượng đàn để có nguồn thu cao hơn.

Chị Danh Thị Cẩm Hằng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tham Đôn cho biết: “Mặc dù chỉ tham gia lớp đào tạo kỹ thuật nuôi gà ngắn hạn nhưng đã giúp chị Hương cũng như nhiều chị em trong ấp có được kiến thức trong chăn nuôi, phòng trị bệnh cho vật nuôi, áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả. Qua mô hình này cũng cho thấy người nông dân trên địa bàn đã tìm cho mình một hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nâng cao đời sống cho gia đình, góp phần tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng ở địa phương. Mô hình nuôi gà thả vườn ở ấp Cần Giờ 2 đã cho thấy hiệu quả thiết thực đối với đời sống của chị em phụ nữ Khmer trên địa bàn xã. Hiện tại, mô hình đã giúp được nhiều hộ có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, hướng đến việc thoát nghèo bền vững”.

PHƯỚC LIÊU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-xuyen/phu-nu-khmer-lam-kinh-te-gioi-54875.html