Phụ nữ đơn thân nỗ lực làm kinh tế để nuôi con lớn khôn

Đó là câu chuyện của chị Trần Thị Phương (sinh năm 1969), hiện đang sống tại thôn Trường Trí, xã Hải Thái, huyện Gio Linh. Hơn 24 năm nuôi con một mình, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả song người phụ nữ ấy vẫn nỗ lực vươn lên để làm kinh tế, chăm lo, nuôi dạy các con nên người.

Chị Vân dậy từ sớm để kịp làm bún bán cho các hộ kinh doanh quán ăn sáng trên địa bàn - Ảnh: T.P

Ngày mới của chị Phương thường được bắt đầu từ 3 giờ sáng. Vừa thức dậy, chị đã tất bật xay, nhào bột, vắt, luộc bún... để kịp cung cấp sản phẩm cho các thương lái ở chợ, những hộ kinh doanh đồ ăn sáng trên địa bàn. Dưới đôi bàn tay khéo léo của chị, chẳng mấy chốc, những rổ bún trắng thơm nhanh chóng được ra lò.

Kê rổ bún vừa xong lên cao cho ráo nước, chị Phương cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi sản xuất khoảng 1 tạ bún để bán cho người dân trên địa bàn. Từ nhỏ, tôi đã học nghề làm bún của mẹ nhưng chính thức gắn bó với công việc này khoảng 25 năm nay. Cũng nhờ có nghề này mà nhiều năm qua, mẹ con tôi có thêm đồng ra đồng vào để trang trải các khoản chi phí trong nhà”.

Năm 2007, khi mà nhiều nơi vẫn đang sản xuất bún theo hình thức thủ công, chị Phương đã đầu tư 65 triệu đồng để sắm sửa máy móc phục vụ cho việc làm bún. Điều này giúp quá trình sản xuất bún của chị trở nên đơn giản, nhanh gọn hơn. Không những thế, bún do chị làm luôn đảm bảo tươi mới, sạch sẽ nên được người dân trên địa bàn tin tưởng, ủng hộ. Công việc này mỗi tháng mang lại cho chị Phương nguồn thu nhập từ 9 - 10 triệu đồng.

“Nghề làm bún, sợ nhất là mất vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường. Thế nên tôi rất chú trọng trong vấn đề an toàn thực phẩm, đầu tư làm hầm chứa nước thải, hút chất thải theo định kỳ. Mưu sinh nhưng phải luôn đảm bảo sức khỏe, môi trường sống trong lành cho người thân và những người xung quanh”, chị Phương chia sẻ.

Nhìn ngôi nhà tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi của chị Phương, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ ấy đã từng có một quá khứ vô cùng khó khăn. Kết hôn từ năm 1989, vợ chồng chị Phương có 4 người con. Cuộc sống khi mới ra ở riêng vất vả trăm bề, vợ chồng chị thay nhau làm nhiều công việc để có thêm thu nhập. Ấy vậy mà chưa kịp hưởng thụ hạnh phúc, năm 2000, chồng chị đột ngột qua đời, để lại mấy mẹ con chị ở trên đời.

Đến giờ, khi nhớ lại khoảng thời gian “đen tối” ấy, chị Phương không sao ngăn được nước mắt của mình. “Mất chồng, mất đi người đồng hành, tôi một lúc phải “vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm”. Để con cái được đi học, được ăn mặc đủ đầy như bao đứa trẻ khác, tôi không nề hà bất cứ công việc gì”, chị Phương nói.

Khổ cực, vất vả nhưng may mắn là các con của chị luôn hiểu chuyện, chăm ngoan, biết đỡ đần việc nhà, thay mẹ chăm sóc lẫn nhau. Những tấm giấy khen vào cuối năm học là món quà động viên tinh thần lớn giúp chị có động lực vượt qua nhọc nhằn. Hiện tại, 4 người con của chị đều đã lớn khôn, người đã lập gia đình, người đi du học, công tác xa nhà.

Chị Phương sống cùng người chị gái bị tàn tật suốt nhiều năm qua. Không còn quá thiếu thốn về vật chất nhưng buổi sáng dậy chị vẫn dậy sớm làm bún, đến chiều lại loay hoay làm thêm các loại bột mì, bột gạo... Ngoài ra, chị Phương cũng chăm sóc đàn lợn, nuôi thêm ít con gà. Có lẽ chị muốn mình trở nên thật bận rộn để nguôi ngoai đi nỗi nhớ chồng và những đứa con đang công tác ở phương xa.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Phương còn rất tích cực, năng nổ tham gia các hoạt động, phong trào do hội phụ nữ các cấp và địa phương phát động; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho các chị em có hoàn cảnh như mình trước đây.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Thái Trần Thị Vân cho biết: “Chị Phương là người vui vẻ, hòa đồng, luôn hăng hái tham gia các hoạt động tại địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, chị còn nuôi dưỡng các con nên người, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Ở chị Phương có sự mạnh mẽ và một nghị lực vượt qua số phận đáng để hội viên phụ nữ khác học tập”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/phu-nu-don-than-no-luc-lam-kinh-te-de-nuoi-con-lon-khon/184396.htm