Phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế

Lào Cai có 25 nhóm dân tộc thiểu số cùng sinh sống, toàn tỉnh hiện có 112.258 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 57,2%. Đổi mới tư duy phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận kiến thức về khoa học, kỹ thuật, phụ nữ dân tộc thiểu số đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

A Lềnh là homestay đầu tiên ở xã Lùng Phình (huyện Bắc Hà), do chị Giàng Thị Chứ (dân tộc Mông) sáng lập. Kể từ khi làm du lịch, chị Chứ tạo ra việc làm và thu nhập cho một số chị em trong thôn.

Đi vào hoạt động ngay từ thời điểm năm 2020, lúc dịch Covid-19 tác động nặng nề đến hoạt động lưu trú, với sự đầu tư kỹ lưỡng về chất lượng dịch vụ, homestay A Lềnh của chị Chứ đã thành công giữ chân du khách trong giai đoạn này.

Chị Giàng Thị Chứ cho biết: Trước đây, quanh năm mình chỉ biết làm ruộng, trồng ngô, trồng lúa. Được gia đình động viên, được vay vốn từ các chương trình ưu đãi nên mình mạnh dạn phát triển theo mô hình kinh tế mới.

Chị Tẩn San Mẩy, thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng (huyện Bát Xát), phụ nữ đầu tiên của xã làm chủ mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đó là bước tiến quan trọng trong cuộc sống của phụ nữ người Dao ở vùng cao Lào Cai, bởi những quan điểm xưa cũ vẫn tồn tại trong cộng đồng. Mô hình tắm lá thuốc kết hợp trị liệu của chị Mẩy đem lại nguồn thu ổn định hơn 200 triệu đồng/năm. Chị Mẩy luôn sẵn sàng chia sẻ với phụ nữ trong thôn kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Chị Tẩn San Mẩy cho biết: Phụ nữ người Dao bị trói buộc trong nhiều quan điểm lạc hậu, phải thật sự dũng cảm mới vượt qua được định kiến này. Tôi nghĩ rằng chỉ có cách phụ nữ làm chủ kinh tế thì mới dần xóa bỏ các định kiến.

Đây là 2 điển hình cho sự nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống của phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai hiện nay, ngày càng có nhiều tấm gương mạnh dạn phát triển kinh tế, làm chủ cuộc sống và tích cực đóng góp cho cộng đồng.

Tỉnh Lào Cai có 25 nhóm dân tộc thiểu số cùng sinh sống, toàn tỉnh hiện có 112.258 hội viên phụ nữ, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 57,2%. Để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo, Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội vận động phụ nữ dân tộc thiểu số đổi mới tư duy phát triển kinh tế, chủ động tiếp cận kiến thức về khoa học, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất phù hợp với đặc thù, lợi thế từng địa bàn.

Đến nay, nhiều phụ nữ đã thành lập hợp tác xã, mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phu-nu-dan-toc-thieu-so-lam-chu-kinh-te-post382065.html