Phụ nữ dân tộc thiểu số di cư tìm kiếm việc làm có xu hướng tăng lên

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phụ nữ Việt Nam di cư trong huyện chiếm 59,3%, di cư giữa các huyện chiếm 56,5%, di cư giữa các tỉnh chiếm 51,8%. Xu hướng 'nữ hóa' đi làm ăn xa ngoài địa phương vì mục đích kinh tế, tìm kiếm việc làm đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó độ tuổi từ 15 đến 59 chiếm tỉ lệ cao nhất 52,4%.

PGS.TS Trần Quang Tiến cho rằng cần quan tâm nhiều hơn tới vấn đề liên quan đến di cư như an sinh xã hội, an toàn trong di cư và an toàn lao động cho người di cư… Ảnh: Thu Hằng

Thông tin đáng chú ý, phụ nữ dân tộc thiểu số di cư thường gặp khó khăn nhất định về vật chất lẫn tinh thần.

Nghiên cứu của Học viện Phụ nữ cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam di cư trong thời gian gần đây đa dạng về loại hình, phức tạp về quy mô, tính chất và không đồng đều giữa các địa phương, dân tộc. Thực trạng đó tạo ra khó khăn cho việc kiểm soát di cư, quản lý xã hội và việc đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế: Di cư quốc tế và hội nhập xã hội: Hòa nhập và phát triển bao trùm do Học viện Phụ nữ và Đại học Chonnam (Hàn Quốc) tổ chức ngày 24/10, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định: “Di cư là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21. Di cư là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển. Di cư đã và đang đóng góp những giá trị to lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; bù đắp thiếu hụt lao động cũng như góp phần giao lưu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ”.

Theo ông Trần Quang Tiến, di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình. Tham gia di cư lao động giúp cho người di cư có những trải nghiệm sự khác biệt về lối sống, văn hóa, góp phần thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới, với công việc tại nơi đến.

Phụ nữ dân tộc thiểu số rời bỏ việc làm nương đi tới các thành phố lớn tìm kiếm việc làm có xu hướng ngày càng tăng. Ảnh: Thu Hằng

Di cư cũng góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Phụ nữ di cư ngày càng đóng góp quan trọng vào sinh kế của hộ gia đình, cải thiện kinh tế, thu nhập của gia đình.

Vị thế, tiếng nói, quyền ra các quyết định trong gia đình của phụ nữ đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi trong phân công lao động gia đình cũng tác động tích cực tới các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề liên quan đến di cư như an sinh xã hội, an toàn trong di cư và an toàn lao động cho người di cư,… là các vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn.

Ông Trần Quang Tiến cho biết, hội thảo lần này được tổ chức nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật thảo luận các vấn đề liên quan đến sự thay đổi, thích ứng và các vấn đề về di cư quốc tế và hòa nhập xã hội diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc. Từ đó đề xuất các giải pháp hạn chế mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập, hội nhập xã hội, thông qua đó thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 nội dung chính gồm: Di cư và các vấn đề Giới; Di cư và Chăm sóc sức khỏe; Di cư và Bảo trợ xã hội; Vấn đề khác liên quan đến di cư.

Các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về di cư và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống di cư bất hợp pháp.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phu-nu-dan-toc-thieu-so-di-cu-tim-kiem-viec-lam-co-xu-huong-tang-len-post467968.html