Phú Nhuận: Người dân khổ vì sống trong vùng dự án 'treo'

Hơn 3 năm qua, hàng chục hộ ở thôn Phú Hà 1 (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng) rơi vào cảnh 'đi không được mà ở cũng không xong' do nằm trong vùng giải phóng mặt bằng Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn tới việc chậm giải phóng mặt bằng dự án bao gồm cả chủ quan và khách quan. Nguyên nhân khách quan gồm công tác quy hoạch, quản lý việc sử dụng đất còn bị buông lỏng. Nguyên nhân chủ quan là sự thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng huyện Bảo Thắng và phía chủ đầu tư trong việc xác định nguồn gốc đất và áp giá đền bù chưa khoa học, minh bạch.

Từ Tỉnh lộ 151, khu vực giáp ranh giữa thị trấn Tằng Loỏng và xã Phú Nhuận, chúng tôi phải nhiều lần hỏi đường mới vào được khu dân cư trung tâm thôn Phú Hà 1. Không thể ngờ khu vực trước đây là nơi sinh sống của hơn 70 gia đình giờ rơi vào cảnh hoang tàn đến vậy. Đường vào thôn, cây cối mọc rậm rạp chắn kín cả lối đi; ruộng lúa, nương ngô trước kia nay cỏ dại mọc um tùm. Trong thôn, nhiều căn nhà mục nát, xập xệ, thậm chí có những căn nhà đã sập mái, chỉ còn trơ khung gỗ, đồ đạc hoen gỉ, hư hỏng vì nắng mưa.

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoa - người dân còn bám trụ tại thôn kể: Năm 2020, các hộ ở thôn nhận được thông báo thu hồi đất của UBND huyện Bảo Thắng để thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại. Người dân kỳ vọng sau khi thu hồi đất sẽ được nhận tiền đền bù và chuyển tới nơi ở mới với điều kiện tốt hơn. Tuy nhiên đã gần 3 năm trôi qua, các hộ vẫn phải vật vã sống trong cảnh chờ đợi bởi sau khi đo đạc, thống kê, áp giá đền bù, tiền chưa được nhận, đất tái định cư cũng không thấy. Đã vậy, vì nằm trong vùng quy hoạch nên điện, nước bị cắt và nhà cửa xuống cấp cũng không được phép cải tạo, nâng cấp, xây mới.

Cuối tháng 9, dù trời đã bước sang thu nhưng nắng nóng hầm hập vẫn bủa vây căn nhà cấp 4 của gia đình chị Vũ Thị Thúy. Ấy vậy mà 8 người gồm cả người già và trẻ nhỏ phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước, nhà cửa xuống cấp từng ngày. Đặc biệt, mỗi khi trời có mưa dông, cả gia đình lại thấp thỏm lo sợ.

Theo chị Thúy, khi có chủ trương thu hồi đất để làm dự án, gia đình chị rất ủng hộ và mong sớm nhận được tiền đền bù để chuyển đến nơi ở mới, bởi khu dân cư đang sinh sống không khác gì ở ốc đảo vì 3 mặt đã bị khu bãi thải đuôi quặng của Nhà máy DAP số 2 và hồ thải Nhà máy tuyển quặng apatit Tằng Loỏng bủa vây, không khí và nguồn nước bị ô nhiễm.

Kế đó, gia đình chị Đào Thị Mến cũng sống trong cảnh mong ngóng từng ngày được nhận tiền đền bù để di chuyển. Chị Mến cho biết, không hiểu lý do gì mà cùng trong diện giải tỏa của một dự án lớn của tỉnh nhưng chủ đầu tư và cơ quan chức năng huyện Bảo Thắng chỉ tổ chức chi trả kiểu “xôi đỗ”, có hộ đã được chi trả tiền đền bù, còn gia đình chị thì chưa. Vừa rồi vì ngôi nhà xuống cấp có nguy cơ đổ sập nên gia đình chị đành thuê nhà tại thị trấn Tằng Loỏng để ở tạm.

“Sống ở vùng dự án treo mòn mỏi suốt nhiều năm qua, gia đình tôi chỉ mong chính quyền và chủ đầu tư sớm giải quyết dứt điểm. Nếu dự án không triển khai nữa thì thông báo để chúng tôi có phương án sửa chữa nhà cửa ổn định cuộc sống”, chị Mến bức xúc nói.

Thôn Phú Hà 1 từng là thôn trù phú của xã Phú Nhuận, hầu hết người dân từ Hải Phòng lên khai hoang, phát triển kinh tế theo chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo lập mô hình trang trại bài bản với vườn cây, ao cá, sống ổn định đã hơn nửa thế kỷ. Do đó, tiếp tục ổn định cuộc sống là mong muốn của nhiều gia đình trong vùng quy hoạch dự án. Họ đã quá mệt mỏi khi “dài cổ” chờ được đền bù, hỗ trợ để di chuyển đến nơi ở mới.

Ổn định cuộc sống là mong muốn không chỉ của riêng hộ chị Hoa, chị Thúy, chị Mến mà là của nhiều gia đình khác sống trong vùng quy hoạch dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại tại thôn Phú Hà 1, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng.

Chia sẻ với phóng viên, hầu hết các hộ đồng tình với phương án thống kê và sự hỗ trợ, động viên của chính quyền xã Phú Nhuận; những kiến nghị của họ cũng được UBND xã ghi nhận gửi lên huyện, lên tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Không ít người dân bày tỏ sự lo lắng, hoài nghi về năng lực của chủ đầu tư dự án.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận phân trần: Từ trước đến nay, chính quyền địa phương đã tổ chức giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn xã nhưng chưa dự án nào kéo dài và “làm khổ” dân như Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại trên địa bàn thôn Phú Hà 1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là sự thờ ơ của chủ đầu tư và sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vướng mắc, tổ chức chi trả tiền và bố trí tái định cư cho các hộ trong diện giải tỏa.

Cuộc hội thoại với ông Đỗ Bá Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng.

Trước sự hoài nghi và bức xúc trên của người dân, phóng viên đã liên hệ với một lãnh đạo của UBND huyện Bảo Thắng để trao đổi về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại, tuy nhiên câu trả lời nhận được rất chung chung: “Chúng tôi vẫn đang giải quyết, còn việc người dân bức xúc trong giải phóng mặt bằng là chuyện bình thường…”.

Để có thêm thông tin về những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng dự án trên, phóng viên đã liên lạc với đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ xử lý môi trường xanh Việt Sơn, nhưng vị này từ chối trả lời với lý do “đang bận họp”.

Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư tháng 10/2018, đến ngày 9/12/2021, UBND huyện Bảo Thắng ban hành Quyết định số 10301 về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ, cá nhân trong phạm vi triển khai dự án. Phương án nêu rõ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do Công ty Cổ phần Dịch vụ xử lý môi trường xanh Việt Sơn phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bảo Thắng và UBND xã Phú Nhuận thực hiện. Tính đến nay, mới có 43/73 hộ được nhận tiền đền bù và di chuyển đến nơi ở mới, số hộ còn lại chưa được giải quyết đang phải sống mòn mỏi với muôn vàn khó khăn.

Dẫu biết rằng công tác đền bù giải phóng mặt bằng là việc phức tạp, cần có sự đồng thuận của người dân và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhưng để xảy ra sự việc nêu trên không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư.

Ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Toàn bộ thủ tục, hồ sơ kiểm đếm tài sản của các hộ trong vùng Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại đã được hoàn thành theo quy định, vì vậy chính quyền xã đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan chức năng của huyện sớm đẩy nhanh tiến độ áp giá bồi thường và có phương án tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Vì vậy, chính quyền xã đề nghị chủ đầu tư và các cơ quan chức năng của huyện sớm vào cuộc đẩy nhanh tiến độ áp giá bồi thường và có phương án tái định cư cho các hộ dân để họ ổn định cuộc sống.

Ông Trần Quang Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phu-nhuan-nguoi-dan-kho-vi-song-trong-vung-du-an-treo-post374250.html