Phú Lương: Nâng cao giá trị nông sản từ liên kết sản xuất

Thời gian qua, huyện Phú Lương luôn quan tâm triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia và đạt được nhiều kết quả tích cực.

HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhờ đó giá bán chè búp khô tăng từ 200 lên 300-350 nghìn đồng/kg.

HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhờ đó giá bán chè búp khô tăng từ 200 lên 300-350 nghìn đồng/kg.

Triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các HTX, tổ hợp tác và bà con nông dân trên địa bàn huyện Phú Lương đã đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp, HTX đã xây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đồng thời, từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, như các vùng sản xuất chè VietGAP, hữu cơ, lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh, ở xã Tức Tranh (Phú Lương) là một trong những đơn vị được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Năm 2021, HTX được nhận hỗ trợ lần đầu với 10 tấn phân bón hữu cơ, bao bì sản phẩm chè, tập huấn về chuyển đổi toàn bộ 8ha chè được công nhận VietGAP sang sản xuất theo hướng hữu cơ.

Đến tháng 6-2023, HTX sản xuất chè an toàn Thái Ninh tiếp tục được hưởng lợi từ Dự án liên kết phát triển mô hình sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với chuỗi giá trị liên kết của vùng chè nguyên liệu ở xã Sơn Phú (Định Hóa). Theo đó, HTX được hỗ trợ 150 tấn phân bón hữu cơ (tương đương 750 triệu đồng) cùng với thuốc bảo vệ thực vật sinh học (HTX đối ứng 50% giá trị), bao bì, nhãn mác sản phẩm, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè hữu cơ…

Anh Nguyễn Thái Ninh, Giám đốc HTX chè an toàn Thái Ninh, cho biết: Nằm trong vùng chè nổi tiếng Khe Cốc, xã Tức Tranh, diện tích chè của HTX lại được chứng nhận VietGAP từ nhiều năm nay, nên khi được tiếp cận Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đã tạo động lực để HTX chuyển đổi toàn bộ diện tích chè sang sản xuất chế biến theo quy trình hữu cơ. Hiệu quả thấy rõ khi giá chè búp khô của HTX đã tăng từ 200 nghìn đồng/kg lên 300-350 nghìn đồng/kg.

Từ năm 2020 đến 2022, các HTX trên địa bàn xã Tức Tranh đã tham gia 4 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị do UBND huyện Phú Lương triển khai. Trong đó có 3 dự án hỗ trợ sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, 1 dự án nuôi chim bồ câu. Tổng kinh phí để thực hiện các dự án này là gần 3 tỷ đồng.

Lúa nếp vải Ôn Lương là một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng của huyện Phú Lương, luôn được chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: T.L

Lúa nếp vải Ôn Lương là một trong những thương hiệu nông sản nổi tiếng của huyện Phú Lương, luôn được chú trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: T.L

Hay như Dự án xây dựng vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn xã Ôn Lương được triển khai từ năm 2020. Đơn vị chủ trì Dự án là HTX nông sản Phú Lương, với kinh phí thực hiện gần 450 triệu đồng (trong đó được ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 100 triệu đồng để hỗ trợ máy móc, thiết bị, đăng ký mã số, QR code, bao bì, nhãn mác sản phẩm, tập huấn quy trình VietGAP).

Nhờ triển khai thực hiện Dự án, HTX nông sản Phú Lương đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa nếp vải VietGAP với diện tích 12ha. Giá trị sản phẩm gạo nếp vải cũng tăng từ 25.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg như hiện nay.

Cùng với 2 dự án kể trên, từ năm 2020-2022, UBND huyện Phú Lương tổ chức triển khai thực hiện tổng cộng 13 dự án liên kết theo chuỗi giá trị. Các dự án tập trung khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, như: Trồng chè, lúa, chăn nuôi chim bồ câu, ong... Theo đó, tổng kinh phí thực hiện các dự án là gần 9,2 tỷ đồng, trong đó nhân dân đối ứng gần 3,9 tỷ đồng.

Theo đánh giá, các dự án đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tuân thủ quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, các dự án đã giúp liên kết các hộ dân, các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Từ thực tế có thể thấy, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Phú Lương đã mang lại hiệu quả tích cực cho các chủ thể tham gia dự án và người dân. Thông qua các dự án, chất lượng và giá trị của nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thúc đẩy quá trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông nghiệp, phát triển các HTX. Các sản phẩm đầu ra sau khi thực hiện dự án được duy trì, phát triển, nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202312/phu-luong-tang-gia-tri-nong-san-tu-lien-ket-san-xuat-46f25bc/