Phóng viên ảnh Cấn Dũng: 38 năm đam mê với nghề

Tháng 6/2023 này, phóng viên ảnh Cấn Dũng sẽ tròn 60 năm tuổi đời và 38 năm tuổi nghề - 38 năm gắn bó với sự nghiệp ảnh báo chí ngành công thương.

Chất xông xáo của một phóng viên...

Phóng viên ảnh Cấn Dũng tác nghiệp tại công trường nhà máy Thủy điện Sơn La

Phóng viên ảnh Cấn Dũng tác nghiệp tại công trường nhà máy Thủy điện Sơn La

Chúng tôi - tất cả những phóng viên, cán bộ công nhân viên công tác tại Báo Công Thương đều gọi phóng viên ảnh Cấn Dũng với cái tên đầy âu yếm và trìu mến là “anh Cấn”. Ấn tượng của “anh Cấn” đối với mọi người là bộ trang phục quen thuộc màu ghi xám giản dị hàng ngày, nụ cười lúc nào cũng tươi, cặp kính tròn mấy chục năm đã thành “thương hiệu”. Và dáng vẻ lúc nào cũng lăm le “hai tay hai máy” - một máy ảnh, một máy quay, tác nghiệp nhanh thoăn thoắt. Chúng tôi hay nói đùa, có lẽ sức dẻo dai của anh còn hơn cả thanh niên - một điều mà chỉ có thể làm việc hết mình bằng niềm đam mê mới có được.

Tác phẩm "Vui ngày hội lớn" chụp sự kiện hạ Rotor Tổ máy số 1 - Nhà máy Thủy điện Sơn La năm 2007. Tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010

Tác phẩm "Vui ngày hội lớn" chụp sự kiện hạ Rotor Tổ máy số 1 - Nhà máy Thủy điện Sơn La năm 2007. Tác phẩm được trưng bày tại Triển lãm ảnh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2010

Cũng chính bởi đam mê mà anh làm việc không biết mệt. Luôn có một thứ năng lượng tích cực, vui tươi tỏa ra từ con người anh. Chúng tôi đã có nhiều dịp được đi tác nghiệp cùng với anh, kể cả những cuộc “trèo đèo lội suối” - lên rừng xuống biển, lên nhà giàn nắng gió, rồi đến những cuộc tiếp đãi trọng thể, những phiên làm việc ở các hội nghị quốc tế…bất kể giờ giấc… anh đều làm việc với một tinh thần hăng say hết mình, không biết mệt, thậm chí là “nhanh thoăn thoắt” như cách chúng tôi thường hay gọi. Chính bởi thế, sự kiện nào có phóng viên ảnh Cấn Dũng là một sự yên tâm cho phóng viên, biên tập viên khi phụ trách đưa tin về chương trình.

Tác phẩm "Trước giờ xuất kích" - Triển lãm ảnh tại Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Tác phẩm "Trước giờ xuất kích" - Triển lãm ảnh tại Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Không chỉ ấn tượng bởi sự vui vẻ, nhiệt tình, ấn tượng của tất cả đồng nghiệp về anh Cấn Dũng còn là một phóng viên ảnh hết sức nghiêm túc, tâm huyết với nghề. Dù làm bất cứ việc gì, chụp ảnh sự kiện thời sự hay chân dung nhân vật… anh đều chau chuốt, chỉn chu đến từng chi tiết và cố gắng hoàn hảo nhất có thể. Tuy nhanh, đảm bảo tính thời sự nhưng không bao giờ được phép ẩu - bài học anh hay nhắc những phóng viên trẻ mới vào nghề như vậy.

...Và vẫn đầy “chất nghệ” của một người nghệ sĩ

Vốn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1982, chuyên ngành Họa sĩ, nhưng phóng viên ảnh Cấn Dũng lại “bén duyên” sang nghề nhiếp ảnh. Anh tâm sự, đúng là “nghề chọn người” chứ không phải “người chọn nghề”.

Chính vì thế, những tác phẩm của anh vừa có tính chất báo chí, thời sự, nhưng vẫn có rất nhiều tính chất nghệ thuật ở đó. Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, quay cuồng với những bức ảnh mang tính chất thời sự của Báo Công Thương, anh Cấn Dũng vẫn có những giây phút “phiêu” để thỏa mãn chất nghệ trong con người mình. Những lúc rảnh rỗi anh lại “xách ba lô lên và đi” cùng hội nhiếp ảnh của anh, đến những vùng đất mới, khám phá con người mới. Anh tâm sự, phải có những lúc như vậy để người nghệ sĩ trong anh được thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, cống hiến. Và rất nhiều những tác phẩm đặc sắc, đạt nhiều giải thưởng lớn đã ra đời như thế. Đơn cử như tác phẩm “Hai chị em” - Huy chương Đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 năm 2004 (không có giải Nhất).

Tác phẩm “Hai chị em” - Huy chương Đồng - Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 năm 2004 (không có giải Nhất)

Tác phẩm “Hai chị em” - Huy chương Đồng - Liên hoan ảnh nghệ thuật toàn quốc lần thứ 23 năm 2004 (không có giải Nhất)

Tác phẩm “Hai chị em” ra đời vào một phút giây rất tình cờ. Anh kể lại, trong một lần đi thực tế tại bản Loóng Luông (Mộc Châu), anh bất ngờ gặp cô bé người dân tộc H’Mông địu em từ trong nhà đi ra. Giây phút ấy, bất ngờ trước khoảnh khắc hồn nhiên của hai chị em người dân tộc, anh giơ máy lên nháy 10 kiểu liên tiếp. Hoàn toàn là những bức ảnh thô mộc, không hề có bất kỳ một sự chuẩn bị, không “set up” bối cảnh, trang phục… hay bất cứ một sự can thiệp nào. Nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ của hai em bé đã tạo nên cái hồn rất riêng cho bức ảnh. Những mảng màu đen, sáng, bạc, trắng… rất tự nhiên và hài hòa, tôn lên vẻ đẹp thánh thiện của hai chị em người H’Mông này. Anh nói đó là những giây phút “trời cho” trong nhiếp ảnh, và người nghệ sĩ phải có sứ mệnh bắt được những phút “trời cho” ấy.

Tác phẩm “Mùa xuân” được Tạp chí Công Thương trao giải trong cuộc thi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017

Tác phẩm “Mùa xuân” được Tạp chí Công Thương trao giải trong cuộc thi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017

Tác phẩm “Mùa xuân” cũng ra đời trong bối ảnh như vậy. Năm 2017, trong một chuyến đi thực tế tại cung đường Tây Bắc vào mùa xuân, ngay trên quốc lộ 6, anh bắt gặp một hình ảnh rất đẹp: Những người thợ điện đang treo mình trên cột điện cao lơ lửng để sửa chữa đường dây, bên cạnh là hình ảnh rất thơ của những cánh hoa đào rừng nở rực rỡ trong nắng xuân. Giây phút ấy anh bảo xe dừng lại và giơ máy lên bấm liên tục. Ngay cả những người thợ điện đang làm việc tít trên cao kia cũng không hề biết mình đã trở thành mẫu ảnh “bất đắc dĩ” trong bức ảnh đẹp như thế. Sau này, tác phẩm “Mùa xuân” đã được Tạp chí Công Thương trao giải trong cuộc thi “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2017.

Tác phẩm "Tuổi thơ vùng cao" - Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc 2007

Tác phẩm "Tuổi thơ vùng cao" - Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc 2007

Nói về tuổi nghề, phóng viên ảnh Cấn Dũng tự hào vì 38 năm cầm máy, anh đã chụp ảnh và nằm trong nhóm chuyên trách đưa tin, hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương (trước kia là Bộ Công nghiệp) đến 5 nhiệm kỳ! Gắn bó với Báo Công nghiệp Việt Nam từ năm 1996, sau đó đến năm 2008 là Báo Công Thương cho đến nay. Có lẽ phóng viên ảnh Cấn Dũng là một trong những nhà báo gắn bó với người lao động ngành công thương gần nhất, lâu nhất: từ chụp ảnh người lao động ở giàn khoan dầu khí trên biển, đến những người thợ dưới hầm lò, những người thợ điện trên khắp mọi nẻo đường của đất nước…

Tác phẩm "Nhịp cầu nối những bờ vui" - Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc năm 2006

Tác phẩm "Nhịp cầu nối những bờ vui" - Triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc năm 2006

Và những gắn bó ấy, những đam mê ấy vẫn tiếp tục theo anh rong ruổi cùng chiếc máy ảnh thân quen trong chặng đường phía trước.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phong-vien-anh-can-dung-38-nam-dam-me-voi-nghe-259030.html