Phong trào ''Kế hoạch nhỏ'' bị biến tướng: Lỗi ở người lớn?

Cách làm của một số trường học đã biến 'Kế hoạch nhỏ' - một phong trào ý nghĩa trở thành 'nỗi sợ hãi' của nhiều học sinh và phụ huynh.

Những ngày qua, câu chuyện nộp giấy vụn triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” tại Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận và có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Theo đó, khi triển khai "Kế hoạch nhỏ" ở một lớp thuộc khối 7, cô giáo yêu cầu chỉ thu giấy vụn trong một ngày duy nhất. Học sinh nào quên, giáo viên yêu cầu gọi phụ huynh mang tới nộp, nếu không sẽ phải nộp phạt 50.000 đồng/kg giấy.

Như vậy "Kế hoạch nhỏ" thực sự dành cho ai? Hoạt động này có thực sự mang lại niềm vui và ý nghĩa giáo dục tới con trẻ?

Liên quan đến sự việc, phóng viên Báo Công Thương đã có trao đổi với ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển thiếu nhi Việt Nam để làm rõ chủ trương của Hội đồng Đội Trung ương về phong trào đã có 66 năm tuổi này.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thiếu nhi Việt Nam

Câu chuyện nộp giấy vụn triển khai phong trào "Kế hoạch nhỏ" tại Trường THCS Lĩnh Nam vừa qua đã gây bức xúc cho phụ huynh và có nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, Hội đồng Đội Trung ương đánh giá như thế nào về việc này, thưa ông?

Đó là một trường hợp hy hữu xảy ra trong quá trình triển khai phong trào "Kế hoạch nhỏ" tại cơ sở. Hội đồng Đội Trung ương hoàn toàn có thể chia sẻ và đồng cảm với những bức xúc của phụ huynh bởi cách thức triển khai phong trào đã không đúng với mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên. Việc đó đã làm xấu đi hình ảnh của một phong trào có truyền thống rất lâu đời của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ những bức xúc của phụ huynh ở đây là cách thức triển khai phong trào của cô giáo chủ nhiệm lớp là chưa phù hợp chứ phụ huynh không bức xúc với phong trào "Kế hoạch nhỏ".

Từ sự việc đáng tiếc đó, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo Hội đồng Đội TP. Hà Nội quán triệt tới các đơn vị cơ sở trên địa bàn thành phố nghiêm túc triển khai phong trào theo đúng tinh thần chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, tuyệt đối không để tái diễn những sự việc như vậy trong quá trình triển khai phong trào; đồng thời, tích cực tuyên truyền để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng với tổ chức Đội trong việc giáo dục, rèn luyện cho các em những thói quen có ích, biết làm việc có tính kế hoạch ngay từ khi còn nhỏ.

Đoạn tin nhắn phát động hội thu kế hoạch nhỏ của Trường THCS Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) gây xôn xao mạng xã hội

Một số phụ huynh cho rằng phong trào "Kế hoạch nhỏ" hiện nay đang tạo áp lực lớn cho phụ huynh. Ông có thể đánh giá về quan điểm này?

Phong trào "Kế hoạch nhỏ" là một phong trào có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với các em đội viên, thiếu nhi. Điều này đã được khẳng định và chứng minh trong suốt lịch sử 66 năm triển khai phong trào.

Với quan điểm, tinh thần và nội dung triển khai như hiện nay, phong trào "Kế hoạch nhỏ" hoàn toàn đảm bảo tính phù hợp với sự tham gia của mọi đối tượng đội viên, thiếu nhi ở mọi địa bàn khác nhau trên cả nước.

Từ thực tiễn triển khai phong trào trong nhiều năm qua, Hội đồng Đội Trung ương nhận thấy không có áp lực nào dành cho phụ huynh khi con em của họ tham gia vào phong trào này. Nếu có thì đó chỉ là cách thức triển khai ở một vài nơi chưa phù hợp đã tạo cho phụ huynh những áp lực nhưng đó không phải là vấn đề phổ biến vì hiện nay đại đa số các địa phương, đơn vị đang triển khai rất tốt phong trào này với sự đồng thuận của phụ huynh và các đơn vị nhà trường.

Số lượng đóng góp của mỗi đội viên, thiếu nhi hay kết quả tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ" của mỗi cơ sở Đội không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua đối với mỗi cá nhân đội viên, thiếu nhi hay đối với các tập thể Đội. Đồng thời, các em không bắt buộc phải đóng góp kế hoạch nhỏ nếu các em không có điều kiện tham gia, không áp đặt chỉ tiêu đóng góp đối với các em, nên việc tham gia phong trào này hoàn toàn không tạo cho bản thân các em hay phụ huynh của các em những áp lực nếu tất cả các cơ sở Đội triển khai thật nghiêm túc chỉ đạo của Hội đồng các cấp.

Qua đây, Hội đồng Đội Trung ương mong muốn các gia đình và phụ huynh các em hãy tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia phong trào, không làm thay các em, hãy để các em tham gia phong trào với một tinh thần "tuổi nhỏ làm việc nhỏ". Chúng ta hãy đồng hành cùng các em để các em có được những trải nghiệm tốt, những bài học quý giá khi tham gia phong trào, để những việc làm tốt của các em hôm nay sẽ hình thành những giá trị nhân cách của các em trong tương lai.

Xin ông cho biết thêm về chỉ tiêu tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ". Đối với mỗi đội viên, thiếu nhi và có hay không việc nộp tiền mặt thay cho phế liệu?

Hội đồng Đội Trung ương đã quy định rất rõ, các cơ sở Đội không được áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi, không bắt buộc thiếu nhi tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ" nếu các em không có điều kiện. Thay vào đó, chỉ được phép vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện bản thân và gia đình. Tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, Hà Nội) thực hiện phong trào "Kế hoạch nhỏ"

Vậy nguồn thu từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" được sử dụng như thế nào, thưa ông?

Toàn bộ kinh phí thu được từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" được giữ lại Liên đội để xây dựng Quỹ Đội, sử dụng phục vụ xây dựng công trình măng non của Liên đội hoặc giúp đỡ các đơn vị kết nghĩa (như Nhà khăn quàng đỏ, điểm sinh hoạt, vui chơi, không gian đọc sách tương tác và sinh hoạt Đội, công trình giáo dục truyền thống, lịch sử cho thiếu nhi; công trình làm đẹp khuôn viên nhà trường; tủ sách, trang thiết bị phục vụ hoạt động Đội; hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn…).

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí thu được cũng dành để phục vụ cho các hoạt động của Đội theo đúng quy định của Nhà nước, Điều lệ Đội, nhưng không quá 20% tổng kinh phí thu được từ phong trào "Kế hoạch nhỏ" của Liên đội.

Vào cuối mỗi năm học, Liên đội báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng Đội cấp huyện về kết quả triển khai và tổng số kinh phí thu được từ phong trào; đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí đó cho năm học tiếp theo, trọng tâm là xác định công trình măng non của Liên đội, đầu tư trang thiết bị hoạt động của Liên đội. Kế hoạch của Liên đội phải được Ban Giám hiệu nhà trường và Hội đồng Đội huyện phê duyệt; được thông qua tại Đại hội Liên đội để triển khai thực hiện.

Trong trường hợp Hội đồng Đội cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương xác định sẽ triển khai công trình măng non của cấp mình, cần vận động sự đóng góp của thiếu nhi thông qua phong trào "Kế hoạch nhỏ", có thể tiến hành việc trích nộp kinh phí thu được từ phong trào từ Liên đội lên cấp trên, nhưng phải đảm bảo quy mô, giá trị, ý nghĩa giáo dục thiếu nhi của công trình, phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phải được triển khai trước khi bắt đầu năm học.

Theo ông, trong triển khai phong trào "Kế hoạch nhỏ" hiện nay cần lưu ý những vấn đề gì?

Để đảm bảo đúng mục tiêu, tôn chỉ của phong trào "Kế hoạch nhỏ", trong quá trình triển khai, Hội đồng Đội các cấp và các cơ sở Đội cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất, chỉ vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình. Không bắt buộc thiếu nhi đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia. Việc biểu dương thiếu nhi tích cực tham gia phong trào phải trên cơ sở tính tích cực, chủ động, thường xuyên làm "Kế hoạch nhỏ" của các em. Tuyệt đối không dựa vào số lượng đóng góp để tuyên dương và đánh giá thi đua đối với cá nhân đội viên, thiếu nhi và các tập thể Đội.

Thứ hai, tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu (trừ hình thức nuôi heo đất); không áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi; không để thiếu nhi mua giấy vụn, phế liệu bên ngoài hoặc nộp những sản phẩm không phải phế liệu (giấy trắng, đồ uống chưa sử dụng...).

Thứ ba, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể vận động thiếu nhi đang sinh hoạt trong các nhà thiếu nhi hoặc trên địa bàn dân cư tham gia phong trào. Tổ chức các hoạt động lao động phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, hình thức và quy mô của hoạt động lao động phải phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.

Xin cảm ơn ông!

Phong trào Kế hoạch nhỏ ra đời năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng, để xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Các hoạt động chủ yếu là thu gom giấy, phế liệu, trồng cây, nuôi gia cầm...

Phong trào sau đó được mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong thiếu nhi.

Nhiều công trình như: Khách sạn Khăn quàng đỏ, tượng đài Khu di tích Kim Đồng, Nhà tưởng niệm anh hùng Võ Thị Sáu... được xây dựng từ phong trào này.

Chí Tâm thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phong-trao-ke-hoach-nho-bi-bien-tuong-loi-o-nguoi-lon-316158.html