Phòng tránh đuối nước ngày hè

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa, các em học sinh sẽ bước vào kỳ nghỉ hè. Ngay từ lúc này, nhiều bậc phụ huynh đã rục rịch lên kế hoạch để con em có những ngày hè vui chơi bổ ích.

Các ngành, địa phương cũng xây dựng kế hoạch, chương trình, hoạt động đáp ứng nhu cầu vui chơi, đảm bảo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ. Trong đó, công tác phòng tránh đuối nước được đặc biệt chú trọng.

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm, cả nước có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan như địa hình, lũ lụt, thiên tai thì phần lớn đều xuất phát từ sự chủ quan. Cụ thể, học sinh thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, thiếu sự quản lý chặt chẽ của gia đình, người lớn tuổi, trường học.

Cha mẹ cần luôn giám sát trong suốt quá trình con vui chơi dưới nước. Ảnh: Phương Vi

Cha mẹ cần luôn giám sát trong suốt quá trình con vui chơi dưới nước. Ảnh: Phương Vi

Còn tại Gia Lai, theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 55 vụ đuối nước khiến 69 trẻ tử vong, tăng 15% so với năm trước. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 8 vụ đuối nước khiến 12 trẻ em tử vong, trong đó có 10 trường hợp là người dân tộc thiểu số. Đây là những con số đáng lo ngại khi mùa hè đang cận kề.

Đặc biệt, khác với ở khu vực thành thị, trẻ em ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có nhiều địa điểm vui chơi an toàn, cha mẹ thường xuyên bận bịu việc đồng áng nên việc kiểm soát, chăm sóc trẻ trong dịp hè có đôi phần lơ là, lỏng lẻo. Vì thế, mặc dù chưa vào cao điểm hè, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều ao, hồ, sông, suối trở thành điểm “giải nhiệt” lý tưởng, thu hút trẻ em, người lớn đến vui chơi đã vô tình dẫn đến những tai nạn đau lòng.

“Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng-chống đuối nước” là một trong những thông điệp trong kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 của UBND tỉnh.

Theo kế hoạch, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện truyền thống để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn viên, hội viên, cá nhân trong việc chung tay chăm lo cho trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước và tai nạn giao thông. Thực hiện tốt công tác bàn giao, tiếp nhận, quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại địa phương giữa nhà trường và chính quyền địa phương, Đoàn Thanh niên và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội.

Chủ động thực hiện các giải pháp phòng-chống xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em; thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời nguy cơ trẻ em bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, tai nạn rơi, ngã để có các biện pháp đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tăng cường tổ chức các lớp hướng dẫn về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, phòng-chống xâm hại, tai nạn thương tích, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và các vấn đề liên quan đến trẻ em phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và phát triển của trẻ; tổ chức các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ em; vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao cho trẻ em đảm bảo an toàn, lành mạnh, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương, đơn vị…

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em mầm non, học sinh năm 2024. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh về phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước; giáo dục kiến thức, kỹ năng chủ động phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước và học bơi an toàn…

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù các ngành, địa phương đều quyết liệt triển khai các giải pháp song số trẻ em tử vong vì đuối nước hàng năm vẫn cao. Vì thế, vai trò, trách nhiệm của phụ huynh cần phải được đặt lên hàng đầu.

Việc trang bị kiến thức cũng như kỹ năng bơi lội cho trẻ là một trong những điều kiện tiên quyết để hạn chế nguy cơ đuối nước. Song, nếu chỉ biết bơi thôi thì chưa đủ. Trẻ cần được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn, khởi động thật kỹ trước khi xuống nước; có kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi ở dưới nước, khi thấy người bị đuối nước; cách nhận diện dòng nước nguy hiểm, tuyệt đối tuân thủ các biển cảnh báo tại biển, sông, suối, ao, hồ; chỉ được xuống nước khi có sự giám sát của người lớn, nơi có nhân viên cứu hộ; không tự ý đi bơi một mình hay ở những nơi vắng người…

Bên cạnh đó, người lớn cần tự trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức bơi lội cũng như cứu hộ, sơ, cấp cứu người bị đuối nước. Cha mẹ cần luôn giám sát trong suốt quá trình con vui chơi dưới nước; căn dặn con tuyệt đối tránh xa những nơi không được phép bơi lội và có biện pháp răn dạy nghiêm khắc nếu con vi phạm. Có như vậy mới góp phần làm giảm những tai nạn đau lòng do đuối nước, thể hiện được vai trò của cả cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phong-tranh-duoi-nuoc-ngay-he-post277908.html