Phòng tránh đuối nước cho trẻ em: Học bơi thôi chưa đủ

Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 - 14 tuổi. Bước vào kỳ nghỉ hè, nỗi lo trẻ đuối nước lại càng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bởi trước đó, tại nhiều địa phương đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Hà Thư.

Chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng bơi cho trẻ là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Hà Thư.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác dạy bơi cho trẻ cùng một số kỹ năng phòng chống đuối nước. Đặc biệt, cần phổ cập bơi cho học sinh phổ thông…

Sự chủ quan đáng tiếc

Trong khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, khi nắng nóng gay gắt diễn ra ở nhiều tỉnh thành đã liên tục xảy ra các vụ đuối nước thương tâm. Đơn cử, ngày 15/5, 2 nam sinh là N.T.K. và P.H.P., cùng 14 tuổi, cùng trú tại tổ dân phố 4, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đi tắm ở biển Nhật Lệ bị đuối nước. Khi phát hiện vụ việc, Tổ Cứu nạn cứu hộ bãi biển Nhật Lệ đã phát tín hiệu khẩn cấp và cứu nạn, huy động lực lượng cứu người đuối nước. Cả 2 em được đưa vào bờ, một em được cứu sống, còn em K. đã tử vong.

Trước đó, ngày 14/5, trên địa bàn xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm một thiếu niên 12 tuổi tử vong. Được biết em N.H.P sinh năm 2012 là học sinh lớp 6 Trường THCS Tiên Động đã cùng một nhóm bạn rủ nhau đi bơi tại khu vực sông thuộc thôn Hòa Nhuệ, xã Tiên Động, sau đó không may bị đuối nước.

Còn nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước trong vừa thời gian qua. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây nhưng đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em.

Các chuyên gia nhận định, những nguyên nhân đuối nước của trẻ vị thành niên thường do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ là do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Dù trẻ em không biết bơi hay biết bơi, nếu chủ quan thì cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm khi tai nạn xảy ra.

Trong khi đó, Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Bộ VHTTDL đặt mục tiêu phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Phấn đấu 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030. 50% trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và nâng lên 60 % vào năm 2030. Tuy nhiên, không ít địa phương, nhà trường đang dạy bơi trên giấy vì khó đủ bề.

Ngoài học bơi, trẻ em cần được học cách sơ cứu khi tai nạn đuối nước xảy ra.

Ngoài học bơi, trẻ em cần được học cách sơ cứu khi tai nạn đuối nước xảy ra.

Vẫn loay hoay với môi trường thực hành

Bơi là kỹ năng cơ bản, cần thiết nhất để trẻ em phòng tránh tai nạn đuối nước. Nhưng hầu hết các hoạt động dạy bơi cho học sinh vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.

Một số trường tiểu học tại các thành phố lớn đã thực hiện thí điểm dạy bơi cho học sinh nhằm phổ cập bơi lội. Tuy nhiên, việc tổ chức các buổi học bơi trong trường gặp nhiều khó khăn khi thiếu hồ bơi và giáo viên phụ trách. Điều này càng trở nên khó khăn hơn tại các khu vực nông thôn.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện nay chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố có ngân sách để đầu tư riêng cho phòng, chống đuối nước. Cả nước chỉ có gần 2.200 trường có bể bơi/tổng số hơn 25.000 trường, chiếm 8,63%. Tỷ lệ học sinh biết bơi chỉ chiếm 33,59%.

Chính vì vậy, khi ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc trẻ em đuối nước, không ít phụ huynh lo lắng về kỹ năng xử lý tình huống và khả năng bơi của con. Nhiều người đã phải tự tìm cho con những lớp học bơi, mặc dù giá của những khóa học bơi này (đặc biệt ở thành phố) không hề rẻ.

Chị Trần Thu Hương có 2 con đang học bậc tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, chị có một con đang học lớp 5 ở trường công lập, một con học lớp 2 trường tư thục nhưng cả hai trường đều không có bể bơi, chương trình không dạy môn bơi lội. Xác định bơi lội là một trong những kỹ năng quan trọng nên chị đã đầu tư tiền cho con học bơi khá sớm với mức học phí từ 6,5 triệu đồng/10 buổi với giáo viên kèm 1-1. “Tôi mong các con biết bơi để ít ra khi xuống nước hoặc xảy ra các tình huống khẩn cấp các con sẽ không bị bỡ ngỡ, hoang mang, ít nhất sẽ tự phòng vệ được cho mình”, chị Hương nói và mong mỏi rằng các trường học cần có những giờ dạy bơi để các con được tập bơi thường xuyên, chứ nếu chỉ học một thời gian mà không được thực hành thì kỹ năng sẽ giảm đi đáng kể, có khi lại thành công cốc.

Phụ huynh mong mỏi vào nhà trường, nhưng nhà trường vẫn còn phải giải quyết nhiều vướng mắc. Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Vinh - Tổ trưởng Tổ Văn - Thể - Mỹ, Trường THCS Thanh Xuân Trung (Hà Nội) thì bể bơi trong nhà trường chủ yếu được dành để tập luyện cho các bạn học sinh khi tham gia các cuộc thi chứ không dành cho tất cả các em học sinh học tập như một môn tự chọn.

“Bể bơi ở các khối trường khi đi vào vận hành sẽ cần nhiều kinh phí nên chưa thể đồng bộ. Duy chỉ có một số trường chất lượng cao sẽ có điều kiện rèn luyện bơi cho học sinh. Còn đối với các trường công lập khác sẽ hướng dẫn phòng tránh đuối nước cho các em thông qua các buổi tuyên truyền, có hướng dẫn của bộ phận chuyên môn về các kỹ năng bơi, xử lý tình huống nguy hiểm. Tuy nhiên hiện mới chỉ là những hành động mô phỏng “trên cạn”, học sinh không được trực tiếp thực hành trong môi trường nước như thực tế”, thầy Vinh cho biết.

Thực trạng trên không chỉ xảy ra ở các thành phố, các bể bơi ở trường học cấp huyện cũng chịu chung “số phận” là có nhưng chưa được tận dụng hết chức năng do thiếu kinh phí vận hành.

Tại Huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) hiện có 7 bể bơi trong trường học nhưng chỉ một số bể bơi được vận hành thường xuyên. Một phần nguyên nhân là kinh phí hoạt động không bảo đảm và môn bơi vẫn chưa được dùng để đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Hiên - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Quảng Tín, Đắk R’lấp) cho biết, năm 2021, nhà trường nhận bàn giao một bể bơi di động với trị giá khoảng 500 triệu đồng. Nhưng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đến năm 2022, nhà trường mới tổ chức cho học sinh học bơi.

Giáo viên dạy bơi chính là giáo viên thể chất của trường. Thế nhưng trong quá trình triển khai môn bơi, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động đóng góp của phụ huynh để mua sắm hóa chất, sinh phẩm, chi phí bảo trì, vệ sinh bể bơi…

“Nhà trường sử dụng nước giếng khoan nên phải dùng chế phẩm để xử lý nước trước khi cho học sinh học bơi. Tuy nhiên, vài ngày lại phải thay nước mới nên chi phí rất lớn. Việc bơm nước, vệ sinh bể bơi, mua hóa chất… đều phải lấy từ chi phí chi thường xuyên hàng năm của nhà trường nên việc chi tiền cho hoạt động dạy bơi cũng có giới hạn.

Trong khi đó, việc kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh cũng gặp khó do không phải gia đình nào cũng đăng ký cho con em theo học”, bà Hiên chia sẻ.

Từ đây, có thể thấy chủ trương dạy bơi trong nhà trường và phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đã có từ nhiều năm trước nhưng đến nay, nhưng rất ít trường học có đủ điều kiện để thực hiện. Nhiều nơi, việc dạy bơi cho học sinh mới chỉ dừng lại ở việc dạy chay, dạy lý thuyết trên giấy, lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần. Trong khi đó, việc thực hành, thành thạo kỹ năng lại vô cùng quan trọng để giúp các em sinh tồn.

Theo nhiều chuyên gia, phòng tránh tai nạn đuối nước không chỉ đơn giản là việc học bơi. Quan trọng hơn, trẻ em cần được hướng dẫn về nơi chơi, cách chơi một cách an toàn.

Thực tế cho thấy, việc trang bị kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố dưới nước cho trẻ em, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Do đó, bên cạnh việc tăng cường giáo dục, giám sát, việc rèn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản cho cuộc sống cho trẻ em là cực kỳ quan trọng.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH): Nâng cao trách nhiệm của gia đình và xã hội
Trẻ bị đuối nước là do thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi. Trong khi đó, việc dạy bơi cho trẻ em tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do không có bể bơi, thiếu giáo viên dạy bơi… Do đó, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ chính mỗi gia đình, hướng các em tới các hoạt động lành mạnh, bổ ích, bảo vệ trẻ em an toàn trước nguy cơ về tai nạn đuối nước có thể xảy ra. Gia đình và nhà trường cần trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em nhằm giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt các công điện, công văn về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Phải làm tốt hơn nữa việc truyền thông để phụ huynh lưu ý, bảo vệ con em mình, đồng thời dành nguồn lực dạy trẻ kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước. Cơ quan chức năng phải thường xuyên rà soát các khu vực nước sâu, nguy hiểm để cảnh báo, cảnh giác và có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ là trách nhiệm của cá nhân, còn là trách nhiệm của cả xã hội. Việc phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực từ tất cả các bên liên quan. Vậy nên chỉ khi có sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng, các tổ chức và Chính phủ, mục tiêu bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho thế hệ tương lai mới có thể thành công.

Ông Nguyễn Trọng An - Chuyên gia về trẻ em: Dạy bơi thôi chưa đủ
Bơi lội chỉ là một trong số giải pháp phòng, chống đuối nước ở lứa từ 6 - 7 tuổi trở lên. Bơi lội mà trẻ em cần học là bơi tự cứu, bơi cứu đuối chứ không phải học bơi để thi lấy thành tích.
Việc đầu tiên cần dạy trẻ là các kỹ năng sinh tồn khi bị rơi xuống nước, gọi là bơi lội phòng chống đuối nước, đến khi các em thành thục mới tiếp đến bơi ếch, bơi sải và kỹ năng hồi sức tim phổi. Việc dạy đúng kỹ năng bơi lội phòng chống đuối nước cho trẻ sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em bị chết do đuối nước rất cao như hiện nay.
Do vậy, điều vô cùng cấp bách là phải đưa môn dạy kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước vào môn học bắt buộc trong nhà trường ngay từ mẫu giáo; đồng thời, kiện toàn ngay đội ngũ, mạng lưới nhân viên công tác xã hội bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Từ đó, hỗ trợ và chuyển tải kiến thức kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ cũng như người chăm sóc trẻ, nhằm phát hiện ngăn chặn sớm các nguy cơ, nguy hiểm có thể xảy ra với trẻ em không chỉ riêng tai nạn đuối nước.
Tuy nhiên, để phòng chống đuối nước trẻ em, cốt lõi của vấn đề là trách nhiệm giám sát và kỹ năng phòng ngừa đuối nước của cha mẹ, người lớn trong gia đình; song song với đó là trang bị đầy đủ kiến thức phòng chống đuối nước và kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước cho bản thân trẻ em.

NGỌC HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phong-tranh-duoi-nuoc-cho-tre-em-hoc-boi-thoi-chua-du-10280224.html