Phong Thổ trên đường ra khỏi danh sách huyện nghèo

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách huyện nghèo. Theo đó, một trong những giải pháp để địa phương thoát nghèo là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng cường liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ thông qua mô hình HTX, doanh nghiệp...

Năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định chia tách huyện Phong Thổ để thành lập huyện Tam Đường. Đến nay, toàn huyện có trên 102.924 ha diện tích tự nhiên; có 17 xã, thị trấn (trong đó 12 xã biên giới) với 9 dân tộc cùng sinh sống.

‘Thay da đổi thịt’ mỗi ngày nhờ mô hình HTX

Sau khi chia tách, Phong Thổ gặp không ít khó khăn, thách thức. Huyện có điểm xuất phát thấp về kinh tế. Sản xuất nông nghiệp manh mún, phân tán; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, giá trị thấp. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thấp với số hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ cao...

Mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của HTX Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất.

Mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của HTX Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất.

Tuy vậy, với chặng đường 20 năm phát triển, huyện Phong Thổ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Kinh tế phát triển ổn định và tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất năm 2022 ước đạt 6.000 tỷ đồng (tăng 136 lần so với năm 2002); thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 35 lần).

Toàn huyện có 4 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 13,94 tiêu chí/xã; có 16 sản phẩm OCOP; bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng đổi mới. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9 - 10% năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 21,6 triệu USD năm 2022.

Những kết quả trên đạt được là sự nỗ lực của huyện Phong Thổ trong đẩy mạnh phát triển nhiều mô hình kinh tế thông qua các HTX, doanh nghiệp. Trong đó, phải kể tới mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt kết hợp chăn nuôi của HTX Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ.

HTX Xuân Oanh là một trong những đơn vị điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế ở thị trấn Phong Thổ. Với diện tích vài ha đất nông nghiệp, HTX trồng hơn 260 trụ thanh long, 80 gốc bưởi da xanh; đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố nuôi ngựa bạch để nấu cao; nuôi hơn 20 con cầy, hàng chục con trâu sinh sản. Thu nhập của HTX hàng đạt hàng trăm triệu đồng/năm.

Cùng với đó, đến huyện Phong Thổ không thể không nhắc tới HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ ở xã Tung Qua Lìn. Cách đây 8 năm, HTX mới chỉ có 3 bể nuôi cá nước lạnh với thể tích 360m3. Dần dần qua các năm, HTX mở rộng quy mô nuôi. Nhất là năm 2022, HTX đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng thêm 4 bể cá (thể tích 130m3/bể), nâng tổng số bể của HTX lên 20 bể với tổng thể tích 2.500m3.

Nguồn thu của HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ năm 2022, sau khi trừ chi phí đạt 1,5 tỷ đồng. HTX đang tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đầu năm 2023, HTX đầu tư xây dựng thêm 1 trang trại cá gần HTX quy mô 10 bể. Dự kiến sẽ nuôi 7 đợt cá/năm (tăng 2 đợt so với những năm trước), mỗi đợt nuôi khoảng 1,5 vạn cá.

Đến năm 2025, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo

Theo tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn huyện Phong Thổ đang có 4 cơ sở nuôi cá nước lạnh gồm: Trại cá hồi của Xí nghiệp 56, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356; Trại cá hồi của Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải; HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ; HTX Dương Yến với tổng thể tích nuôi 3.587,00m3, sản lượng 36 tấn/năm.

HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ phát triển mô hình nuôi cá tầm.

HTX Nông nghiệp vùng cao Phong Thổ phát triển mô hình nuôi cá tầm.

Thời gian qua, để khai thác tiềm năng lợi thế phát triển nuôi cá nước lạnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức nuôi cá nước lạnh tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các tổ chức, cá nhân thường xuyên kiểm tra, nắm bắt quy mô, thể tích nuôi cá nước lạnh; tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia kinh doanh, chế biến, xây dựng các sản phẩm OCOP.

Đến nay, thị trường cá nước lạnh đang duy trì ổn định, mặt hàng được cung ứng rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Nuôi cá cũng mang lại nguồn thu cao cho người nuôi, góp phần giải quyết việc làm. Nhất là trong năm 2022, giá bán cá hồi, cá tầm tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ các cơ sở phấn khởi mở rộng quy mô. Đặc biệt, toàn huyện đã có 3 sản phẩm: cá hồi phi lê, cá tầm cắt khúc, ruốc cá hồi của HTX Dương Yến được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Bí thư Huyện ủy Phong Thổ Sùng A Nủ nhấn mạnh, giai đoạn 2020-2025, huyện từng bước phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo.

Để đạt mục tiêu trên, Bí thư Huyện ủy Phong Thổ cho biết, huyện xác định các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế sẵn có của huyện.

Mặt khác, huyện Phong Thổ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tăng cường liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ thông qua mô hình HTX, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu. Phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch, thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/phong-tho-tren-duong-ra-khoi-danh-sach-huyen-ngheo-1092029.html