Phòng thân khi có cháy, dân chung cư mini phá 'chuồng cọp', mở ban công

Sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini trên phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều người đổ xô đi mua vật dụng thoát hiểm, thiết bị PCCC. Thậm chí, nhiều người còn phá 'chuồng cọp', mở rộng ban công, tạo lối thoát nạn thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong quá trình thực hiện.

Sự chủ động bảo vệ bản thân là cần thiết, song cấp thiết hơn, người dân mong có được hướng dẫn thống nhất và chi tiết từ các cơ quan quản lý.

Nằm trong con hẻm chỉ rộng khoảng 1,2m, tòa nhà 58B-C, ngõ 117, phố Thái Hà, quận Đống Đa là một chung cư mini khác của bị can Nghiêm Quang Minh, người vừa bị bắt tạm giam để điều tra trong vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở phố Khương Hạ.

Chung cư mini này cao 8 tầng 1 tum, dù giấy phép xây dựng được cấp chỉ cao 6 tầng, 1 tầng lửng và tum thang. Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra cách đây ít ngày, tòa nhà có nhiều vi phạm về quy định PCCC.

Chung cư mini số 58B-C, ngõ 117, phố Thái Hà, quận Đống Đa nằm trong con hẻm chỉ rộng khoảng 1,2m

Chị T. T. V, một người dân sinh sống tại chung cư này cho biết, nhiều năm nay, cư dân đã phản ánh về nguy cơ mất an toàn PCCC nhưng không được chủ chung cư, bảo vệ hay những người có trách nhiệm tiếp nhận. Và đến nay, nỗi bất an đang chồng chất thêm từng ngày:

"Mất ăn mất ngủ thực sự luôn. Nhiều hộ tháo cửa, mua mặt nạ, mua dây. Bên công an cũng nói chủ nhật này chúng tôi sẽ được học lớp tập huấn PCCC, cũng rất mong được cơ quan, đoàn thể hướng dẫn cụ thể để chúng tôi biết cách PCCC.

Tài sản cả đời mình phấn đấu, mình bỏ ra số tiền như thế chỉ mong được cái sổ đỏ để yên tâm, nhưng từ ngày về đây tôi chưa thấy sổ đỏ bao giờ. Rất mong các cơ quan, đoàn thể cùng chung tay xem xét và có hướng giải quyết hợp tình hợp lý".

Theo UBND phường Trung Liệt, tòa nhà trên giấy chứng nhận thuộc sở hữu của ông Nghiêm Quang Minh, chưa có bất cứ một cơ quan nhà nước nào chứng thực việc mua bán. Do đây là thỏa thuận dân sự nên chưa có hướng xử lý.

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, tòa nhà có nhiều vi phạm về quy định PCCC (Ảnh - Người lao động)

Nỗi lo về quyền sở hữu tài sản có thể chưa cận kề, nhưng tâm trạng bất an trước nguy cơ hỏa hoạn thì luôn thường trực trong mỗi cư dân. Anh Nghiêm Long Việt, cư dân chung cư mini tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân cho biết, nhiều hộ dân đã đề nghị tất cả chung cư cùng đóng góp tiền để thay thế bình cứu hỏa, đề xuất mỗi gia đình tự trang bị một bình cứu hỏa, thang dây nếu cần. Một số người còn sốt ruột, tự bỏ cửa sổ khung sắt kiểu cũ của gia đình, thay bằng khung sắt có thể mở được.

Anh Việt cho rằng, dù chính quyền phường đã ghé qua từng chung cư mini và có những hướng dẫn cơ bản, nhưng các hộ vẫn chưa thể yên tâm: "Bây giờ chỉ có những biện pháp thứ nhất là phải quản lý chặt chung cư mini xây thừa tầng, trái phép; đường trong hẻm cũng cho xây chung cư mini, có xảy ra chuyện gì thì cũng rất là khó.

Thứ hai là kiểm tra định kỳ, bình cứu hỏa có tác dụng trong 12 tháng, kiểm tra định kỳ xem bình cứu hỏa của các nhà còn hạn sử dụng không. Thứ ba là cán bộ cũng nên nhắc nhở rất nhiều nhà để đồ đạc riêng lấn chiếm diện tích cầu thang, hành lang".

Cùng chung quan điểm, ông Lê Anh Tú, cư dân chung cư mini tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai cho rằng cơ quan quản lý PCCC phải có hướng dẫn thống nhất, chi tiết về những biện pháp cần làm ngay liên quan việc cải tạo và sắp xếp lại, đảm bảo an toàn PCCC tại các khu chung cư và nhà tập thể

Sau vụ cháy kinh hoàng tại chung cư mini trên phố Khương Hạ, nhiều người dân thủ đô tại các khu tập thể, chung cư đã đổ xô đi mua vật dụng thoát hiểm, thiết bị phòng cháy chữa cháy (Ảnh minh họa - Hà Nội)

"Bây giờ các vị cứ muốn thu tiền hằng tháng nhưng các vị không có lo lắng về công tác PCCC. Một là chủ căn hộ, hai là người phụ trách ở chung cư đó phải có trách nhiệm. Trước hết phải hiểu được thế nào là PCCC, thứ hai là có những quy tắc để quy định cho người dân thực hiện. Quan trọng là phải có người phụ trách thường xuyên kiểm tra các dụng cụ, phương án PCCC, công tác cấp tiếp nước thế nào với những khu có đường vào nhỏ… Và đồng thời phải có chế tài đủ sức răn đe", ông Lê Anh Tú nói.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, các quy định pháp luật về PCCC đã tương đối đầy đủ, gồm Luật Phòng cháy và chữa cháy, các Nghị định hướng dẫn, vấn đề là các cơ quan quản lý cần có trách nhiệm hơn trong việc thực thi và giám sát.

Người dân mong có được hướng dẫn thống nhất và chi tiết từ các cơ quan quản lý về những biện pháp cần làm ngay liên quan việc cải tạo và sắp xếp lại, đảm bảo an toàn PCCC (Ảnh minh họa)

Với những chung cư mới xây dựng chưa đảm bảo an toàn PCCC thì không cấp điện, nước để chủ đầu tư không thể đưa người dân vào ở. Với những chung cư đã có người ở, chung cư nào có lỗi không thể khắc phục thì cần kiên quyết cho dừng hoạt động; chung cư nào có thể khắc phục thì cần yêu cầu khắc phục ngay

"Mỗi chung cư mini lại có những đặc thù riêng, chúng ta phải tham vấn ý kiến của cơ quan chức năng, trực tiếp ở đây là cán bộ quản lý PCCC khu vực. Nếu chúng ta không dùng các biện pháp đúng cách, như đem hàn xì những “chuồng cọp” thì có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy nổ.

Thứ hai, chúng ta vội vàng đi mua những thiết bị như thang dây, mặt nạ chống độc,… không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định thì có thể thiết bị đó không đảm bảo an toàn. Các cơ quan như cảnh sát PCCC cần chủ động phân công cán bộ đến làm việc cùng người dân, đưa ra những giải pháp trước mắt, đặc biệt những nơi có nhiều chung cư mini và chưa đảm bảo an toàn", Luật sư Nguyễn Danh Huế phân tích.

Minh Hiếu/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-than-khi-co-chay-dan-chung-cu-mini-pha-chuong-cop-mo-ban-cong-post1046436.vov