Phòng ngừa xung đột trong gia đình: Cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ mâu thuẫn trong gia đình dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Để xảy ra các vụ việc nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do cá nhân thiếu kiềm chế, không kiểm soát hành vi, bột phát hoặc bị chi phối bởi các chất kích thích như: rượu, bia, ma túy... Phòng ngừa xung đột trong gia đình không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của cộng đồng xã hội.

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) triển khai giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người trong gia đình.

Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) triển khai giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người trong gia đình.

Giết vợ chỉ vì không cho uống rượu

Mới đây, phiên tòa hình sự xét xử bị cáo Quách Đình Ánh, sinh năm 1975, trú tại xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi về tội giết người thu hút sự chú ý của dư luận. Nạn nhân chính là vợ của bị cáo. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt đã dẫn tới hậu quả khôn lường, gia đình tan vỡ, con thơ bỗng chốc mồ côi mẹ phải nương tựa vào ông bà đã luống tuổi.

Quách Đình Ánh từng là công an viên bán chuyên trách xã Kim Bôi, là cán bộ xóm, được đào tạo về pháp luật, có uy tín được người dân địa phương tín nhiệm. Nhưng do hay uống rượu, về nhà trong tình trạng say xỉn, vợ là chị Bùi Thị C. nhiều lần khuyên chồng bỏ rượu để tu chí làm ăn, nuôi dạy các con, không những không tỉnh ngộ mà Ánh càng lún sâu vào ma men, cuộc sống trở nên căng thẳng, mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gay gắt hơn. Khoảng 6h ngày 30/11/2021, sau khi ngủ dậy, Ánh lấy đồ nấu ăn sáng. Chị C. thấy Ánh đang chế biến thức ăn để tụ tập uống rượu, hai vợ chồng lời qua tiếng lại, mâu thuẫn trở nên căng thẳng, Ánh dùng dao nhọn đang chế biến thức ăn đâm liên tiếp. khiến chị C. ngã gục. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Kim Bôi đã bắt giữ đối tượng. Với hành vi côn đồ, sát hại chính người vợ của mình, Quách Đình Ánh phải chịu mức án 15 năm tù giam. Tuy nhiên, bản án lương tâm sẽ còn đeo đẳng người đàn ông này trong suốt quãng đời còn lại.

Hung thủ gây ra các vụ án trong gia đình không chỉ nam giới mà còn cả nữ giới. Chỉ từ mâu thuẫn nhỏ, thiếu kiềm chế mà Nguyễn Thị Ngần, sinh năm 2000, trú tại xóm Nghĩa Kếp, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn suýt gây ra cái chết cho cả gia đình nhà chồng. Khi bị bắt, đối tượng khai trong quá trinh sinh sống nảy sinh mâu thuẫn với bố mẹ chồng. Ngần bực tức vì bị bố mẹ chồng chì chiết nên nảy sinh ý định trả thù. Để thực hiện hành vi phạm tội, Ngần bí mật ra chợ mua thuốc diệt cỏ và 1 can xăng cất giấu trong nhà, chờ thời điểm thuận lợi ra tay. Khoảng 23h40’ ngày 27/2/2021, lợi dụng cả gia đình nhà chồng ngủ say, Ngần đổ thuốc diệt cỏ vào bể nước sinh hoạt của gia đình, sau đó đổ xăng đốt nhà. Rất may sự việc được phát hiện kịp thời nên không gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trách nhiệm của cộng đồng xã hội

Theo Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, nhất là tội phạm giết người do các xung đột trong gia đình gây bất an dư luận. Tính từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 22 vụ giết người, số vụ giết người do xung đột gia đình chiếm trên 30%. Nguyên nhân phát sinh tội phạm chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa kinh tế kém phát triển, dân trí thấp, nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Nguyên nhân khác do chính quyền cơ sở chưa sâu sát địa bàn nắm chắc tình hình, chưa có các giải pháp đột phá để thay đổi nhận thức, hành vi, chưa mạnh dạn đẩy lùi tập quán lạc hậu, cổ hủ. Các tổ chức đoàn thể quần chúng chưa vào cuộc quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào cơ quan chức năng. Thói quen uống rượu trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tuy đã giảm song vẫn còn khá phổ biến. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nảy sinh mâu mắc, xung đột trong gia đình.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ giết người trong gia đình, Đại tá Trần Mạnh Hải cho rằng, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giao các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng và chính quyền xóm, xã, khu dân cư là nòng cốt trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Duy trì các tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các mâu mắc trong gia đình, nhất là các xung đột tiềm ẩn phức tạp, phối hợp các đoàn thể, người có uy tín giải quyết, tránh để phức tạp hơn. Tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn ưu đãi giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Lực lượng Công an các cấp cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ đối tượng, nhất là đối tượng có tiền án, tiền sự, tù tha, nghiện ma túy… để giáo dục, răn đe. Đồng thời, phối hợp cơ quan tố tụng các cấp đưa ra xét xử công khai, xét xử lưu động các vụ giết người trong gia đình để cảnh tỉnh người dân. Chỉ có như vậy, số vụ giết người trong gia đình mới được phát hiện, phòng ngừa từ sớm, từ xa, hướng tới một xã hội hạnh phúc, bình an.

Như Hùng

(Công an tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/179195/phong-ngua-xung-dot-tr111ng-gia-dinh-can-co-giai-phap-dong-bo,-quyet-liet.htm