Phòng, ngừa nguy cơ tai biến địa chất

Cách đây 1 - 2 năm, thông tin về việc vi phạm đất nông nghiệp, đất rừng ở Sóc Sơn hay Ba Vì (Hà Nội) đã được các cơ quan báo chí đề cập. Rồi chuyện cũng lắng lại, sau vài động thái từ các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại. Người dân chắc cũng không đủ kiên nhẫn, hoặc có quá nhiều các thông tin khác được cập nhật và phủ lấp mỗi ngày. Cho đến khi hàng loạt ô tô bị mắc kẹt và vùi lấp do đất, đá theo mưa lũ cuốn đổ về tại khu vực hồ Ban Tiện (xã Minh Phú).

Đề phòng nguy cơ tai biến địa chất vẫn là biện pháp phòng ngừa rủi ro cao nhất và cần thiết nhất vào lúc này (ảnh minh họa). Ảnh: D. Trương

Tình trạng này không chỉ làm cho những chủ xe và người đi nghỉ cuối tuần mà ngay cả những người dân trong khu vực đó, cũng như người tiếp cận thông tin từ các kênh khác nhau bàng hoàng. Sau việc xử lý, giải quyết và kiểm tra ban đầu là một sự thật khác: hàng trăm công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng và đây cũng là nơi có nhiều vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội những năm qua. Người ta còn phát hiện ra cả một con đường bê tông dài hơn 300m, rộng 7m xây dựng không phép cắt ngang rừng trên đồi Dõng Chum.

Đâu chỉ ở Sóc Sơn, từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua, các sự cố lún sụt, nứt vỡ, sạt lở đất, sạt lở bờ biển, bờ sông… đã diễn ra ở nhiều địa bàn, kéo theo là những thiệt hai nghiêm trọng về tính mạng, nhà cửa, tài sản của người dân. Nhiều tuyến giao thông ở vùng núi phía bắc, ở các tỉnh Tây Nguyên, như: Lâm Đồng, Đắk Nông bị hư hại, không thể lưu thông. Điều này có thể được xem như những tai biến địa chất nghiêm trọng, làm cho người dân bất an và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội không chỉ ở quanh các khu vực đó.

Bên cạnh những tác động của thiên nhiên và những biến động không lường trước của biến đổi khí hậu, điều được đề cập và nhìn nhận một cách thẳng thắn và nghiêm túc là do tác động ngày một nhiều hơn, dày đặc và nghiêm trọng hơn của con người ở các vùng vừa xảy ra sạt lở, lũ quét… Hàng trăm công trình “xẻ thịt” đất rừng để mọc lên, hay hơn 500 trường hợp vi phạm đã bị xử lý ở Sóc Sơn là một minh chứng. Vấn đề là phạt, nhưng các công trình đó vẫn tồn tại, thậm chí còn mọc lên nhiều hơn. Người ta cũng có quyền đặt vấn đề về việc kiểm tra, giám sát và (đã) xử lý các công trình ở các tỉnh Tây Nguyên như thế nào? Dư chấn nào là khách quan? Nguyên nhân chủ quan đã được đặt ra, quản lý, xử lý và vai trò, trách nhiệm từ phía các cơ quan chức năng?

Trước mật độ, cường độ của tình trạng sạt lở, lũ quét với những tác động nghiêm trọng vừa qua, Thủ tưởng Chính phủ đã có Công điện 732 về việc tập trung phòng, chống và giảm thiệt hại này. Việc kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa công trình ở các khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển và vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Kèm theo đó là giao việc chịu trách nhiệm chính cho người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành trước các sự cố do thiếu quản lý, quy hoạch đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Những cảnh báo về mưa lũ, sạt lở vẫn đang được đưa ra từ các cơ quan chuyên môn. Không ai nói trước được điều gì, nhất là với những diễn biến phức tạp, khó lường đến từ thiên nhiên do biến đổi khí hậu, cũng như đến từ những tác động của con người. Thế nên, đề phòng nguy cơ tai biến địa chất vẫn là biện pháp phòng ngừa rủi ro cao nhất và cần thiết nhất vào lúc này. Điều đó cần đến hành động của chính quyền và người dân ở những nơi dễ có nguy cơ.

Nguyễn Bình An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-ngua-nguy-co-tai-bien-dia-chat-130876.html