Phòng ngừa cháy, nổ khi sạc xe điện, thiết bị điện tử

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, xảy ra nhiều vụ cháy, nổ liên quan đến sạc xe điện và các thiết bị điện tử làm một số người thương vong.

Vừa sạc pin, vừa chơi game trên điện thoại rất dễ gây chập, cháy hoặc phát nổ. Ảnh minh họa: P.Liễu

Vừa sạc pin, vừa chơi game trên điện thoại rất dễ gây chập, cháy hoặc phát nổ. Ảnh minh họa: P.Liễu

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, khi sạc điện cho xe hay các thiết bị điện tử, người dân lưu ý cần thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, thao tác đúng cách để bảo đảm an toàn cho bản thân, người thân và thiết bị.

* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập, cháy

Ngày 13-7-2023, một vụ hỏa hoạn khiến 2 bà cháu ở TP.Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) tử vong. Nguyên nhân ban đầu nghi ngờ do ắc quy xe điện bị chập khi đang sạc dẫn đến cháy, nổ. Trước đó, vào tháng 7-2022, một học sinh lớp 5 ở tỉnh Lâm Đồng vừa sạc điện thoại vừa chơi game đã bị điện giật tử vong.

Tại Đồng Nai, ngày 26-1-2023, nhằm tối mùng 5 Tết Nguyên đán 2023, một cháu bé 8 tuổi ở P.Bình Đa (TP.Biên Hòa) đã phải vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cấp cứu với 2 bàn tay bị bỏng do điện thoại nổ khi em này vừa cắm sạc điện thoại, vừa chơi game 3 giờ liền. Hoặc vụ tai nạn xảy ra ngày 17-6-2019 với một thanh niên (ngụ H.Định Quán) khi vừa sạc pin (bằng cục sạc dự phòng) vừa tiếp tục sử dụng điện thoại, dẫn đến 2 thiết bị trên phát nổ bất ngờ khiến thanh niên này bị thương vùng mặt và ngực.

Theo thống kê từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã tiếp nhận 19 ca đến khám và điều trị các thương tích liên quan đến cháy, nổ, điện giật khi sạc xe đạp điện và các thiết bị điện tử, nhiều nhất là thương tích do điện thoại cháy, nổ khi vừa sạc, vừa dùng. Con số này trong năm 2022 là 41 ca.

Hiện nay, học sinh nghỉ hè nên nhiều em “ôm” điện thoại, máy tính bảng để chơi game nhiều giờ trong ngày, thiếu sự kiểm soát của người lớn, dễ gây nguy cơ cháy, nổ. Chị Vũ Thị Thanh Nguyên (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, 2 con nhỏ của chị nghỉ hè nên thường xuyên sử dụng điện thoại để chơi điện tử, xem TikTok. Do các bé sử dụng nhiều giờ liền nên pin nhanh cạn và thường vừa sạc, vừa tiếp tục chơi game. Dù chị đã nhắc nhở nhưng khi chị đi làm không thể kiểm soát được việc sử dụng điện thoại của các con nên rất lo lắng.

Cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về sự nguy hiểm và mất an toàn khi sạc điện cho các thiết bị, nhưng nhiều người chưa quan tâm đến việc sử dụng đúng cách để bảo vệ tài sản, bảo đảm an toàn cho mình và người khác.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số cửa hàng bán điện thoại di động, máy tính, cửa hàng bán xe đạp điện ở TP.Biên Hòa, cho thấy người mua hàng chỉ quan tâm đến kiểu dáng, giá cả, chính sách khuyến mãi, bảo hành nhưng không mấy người hỏi cách sử dụng sao cho an toàn. Có người còn thích “độ” thêm xe điện một vài bộ phận, tính năng khác; có người thích cục sạc, dây cáp có kiểu dáng đẹp hơn thay vì sử dụng bộ sạc chính hãng đi cùng; thích dùng ốp lưng, dán kiếng cường lực điện thoại hoặc dán vỏ máy laptop… làm giảm sự tỏa nhiệt, dẫn đến thiết bị mau nóng khi sử dụng.

* Cẩn thận không thừa

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, qua những vụ tai nạn thương tích liên quan đến sạc xe điện, sạc các thiết bị điện tử cho thấy nguy cơ cháy, nổ phát sinh từ các nguyên nhân như: vừa cắm sạc, vừa sử dụng; cắm sạc liên tục, ỷ lại vào chức năng tự ngắt khi đã sạc đầy mà không nghĩ chức năng tự ngắt vẫn có thể có trục trặc trong quá trình sạc; phụ kiện sạc (bộ sạc, bình điện, dây sạc và cục sạc) của điện thoại, laptop đã cũ, nứt hở, hàng kém chất lượng, không đồng bộ với thiết bị…

Theo Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 117 vụ cháy, trong đó có 32 vụ chập điện, cháy thiết bị sạc, chủ yếu xảy ra ở đô thị.

Về an toàn khi sạc điện, theo ông Vũ Dũng, kỹ sư điện, làm việc tại một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa, đối với những thiết bị sử dụng điện thì an toàn là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Theo ông Dũng, việc sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đang rất thịnh hành nên việc sạc bình cho xe điện cần người sử dụng chú ý. Khi sạc xe điện, không nên cắm sạc ngay khi xe vừa chạy ngoài đường về, nên để bình nguội khoảng 30 phút sau mới cắm sạc. Việc này không chỉ hạn chế chập cháy mà còn giúp cho bình sạc đỡ bị chai, phồng, giảm chất lượng. Ngoài ra, cần chú ý tắt điện xe khi sạc; để bộ sạc ở nơi khô ráo; dùng bộ sạc điện chính hãng của xe; kiểm tra và rút sạc ngay sau khi bình đã sạc đầy. Ngoài ra, nên kiểm tra bình điện xe từ 3-6 tháng/lần. Nếu phát hiện bình điện bị phồng nứt, chảy nước thì nên thay bình mới. Sau mỗi lần rửa xe hay đi mưa về, cần làm khô các đầu cắm điện và dây điện trước khi sạc điện cho xe.

Còn về nguy cơ chập, cháy, nổ điện thoại di động, anh Trần Hoàng Thanh Phúc, kỹ thuật viên của một shop điện thoại di động trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho biết, nguyên nhân sự cố cháy, chập, nổ ở điện thoại xảy ra nhiều nhất là do người dùng vừa sạc, vừa sử dụng.

Anh Phúc giải thích, khi sạc pin là dòng điện áp cao đang phóng thẳng tới điện thoại, nhưng do người dùng vẫn tiếp tục sử dụng sẽ gây ra xung đột dòng điện, rất dễ gây cháy, nổ. Trong khi sạc, pin vốn đã nóng lên do tải điện, khi vừa sạc vừa sử dụng, khiến pin bị nóng lên nhanh hơn, phát sinh tình trạng quá tải nhiệt, dẫn đến chập, cháy, nổ gây sát thương cho người dùng. Ngoài ra, nguy cơ cháy, nổ còn hay xảy ra với những loại điện thoại vỏ kim loại, cục sạc và dây sạc không tương thích với máy, hàng chất lượng kém do mua trôi nổi hoặc quá cũ, bị gấp gãy.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/phong-ngua-chay-no-khi-sac-xe-dien-thiet-bi-dien-tu-3172701/