Phòng không tiền tuyến của NATO thảm hại tới mức không tưởng!

Không thể tin được về hỏa lực phòng không của các đơn vị chiến đấu tuyến 1 của khối NATO, hiện chỉ còn 40 khẩu pháo phòng không cũ; khó có thể bảo vệ lực lượng trước trực thăng và UAV vũ trang, máy bay cường kích của Nga.

Theo tờ Forbes của Mỹ, ngay từ năm 2017, NATO đã thành lập một nhóm tác chiến mới, nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ đang suy yếu ở biên giới phía đông của liên minh NATO.

Việc triển khai nhóm tác chiến NATO này, để tăng cường sự hiện diện quân sự tại Ba Lan, được gọi là "Nhóm chiến đấu Ba Lan"; và đơn vị này có thể là một trong những lực lượng cơ giới hóa đầu tiên của NATO, được đưa vào chiến đấu, khi lực lượng mặt đất của Nga tấn công các nước Baltic.

"Nhóm Chiến đấu Ba Lan" là một lực lượng ấn tượng với khoảng 1.000 quân và một số lượng lớn xe tăng. Nhưng có những lỗ hổng nghiêm trọng, trong cơ cấu lực lượng này của NATO; đáng kinh ngạc là tập đoàn chiến đấu này, được trang bị gần như toàn bộ số pháo phòng không tự hành, hiện có trong liên minh 30 quốc gia NATO.

Cụ thể đó là toàn bộ số pháo phòng không tự hành 35mm hai nòng Gepard mà quân đội Romania trang bị. Với sự hồi sinh dần dần của Nga, hiểm họa Chiến tranh Lạnh bất ngờ xuất hiện trở lại, cũng khiến vai trò của tổ hợp pháo phòng không Gepard trở nên rất quan trọng.

"Nhóm chiến đấu Ba Lan" bao gồm quân đội bốn nước, sẽ huấn luyện và chiến đấu bên cạnh quân đội Ba Lan. Trong số đó, Quân đội Mỹ đã cử một đơn vị bao gồm khoảng 50 chiến xa bánh lốp Stryker, được trang bị pháo 30mm, và pháo xe kéo 155mm M777.

Quân đội Anh đã cử một đơn vị trinh sát, được trang bị xe bọc thép Jackal. Quân đội Croatia đã điều động các tên lửa tự hành bánh lốp 122 mm. Nhưng chính sự đóng góp của quân đội Romania mới khiến nhóm chiến đấu này thực sự có một không hai.

Romania đã mua khoảng 40 khẩu pháo phòng không tự hành Gepard, từ số pháo phòng không thanh lý của quân đội Đức 10 năm trước. Quân đội Đức khi đó cũng không còn nhu cầu về pháo phòng không và bán nó cho Romania.

Những khẩu pháo phòng không Gepard sử dụng khung gầm xe tăng Leopard 1, cho khả năng cơ động cao trên các địa hình. Gepard được trang bị radar tầm ngắn và pháo 35mm hai nòng; đây cũng là một trong những hệ thống phòng không tầm ngắn duy nhất còn lại của NATO. Và điều này trở thành một vấn đề lớn.

Trong những năm sau khi Liên Xô tan rã, việc NATO không trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn, có thể phù hợp trong một khoảng thời gian, do các mối đe dọa tiêu diệt lực lượng tiền tuyến của NATO, là hàng trăm trực thăng vũ trang và máy bay tấn công yểm trợ tầm gần của Liên Xô, không còn tồn tại.

Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi và Nga đang tái trang bị vũ khí. Không chỉ có trực thăng vũ trang và máy bay tấn công mới, cùng số máy bay cũ được nâng cấp, mà còn có cả máy bay không người lái có vũ trang.

Trong thập kỷ qua, việc NATO cắt giảm mạnh các hệ thống phòng không tầm ngắn, đã gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện. Chuẩn tướng quân đội Đức Marcus Raubenthal cho rằng, phòng không tầm ngắn là vũ khí rất khan hiếm của NATO lúc này.

Một số quốc gia NATO đang phát triển các hệ thống phòng không tầm ngắn mới và các quốc gia như Ba Lan, vẫn có một số lượng nhỏ pháo phòng không ZSU-23-4 cũ của Liên Xô, và đang tiến hành nâng cấp chúng, để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại; nhất là các mối đe dọa từ UAV vũ trang.

Mỹ là nước nhanh chân nhất trong việc phát triển các hệ thống phòng không mới. Vào năm 2016, Quân đội Mỹ đã khởi động kế hoạch trị giá 1,2 tỷ USD, để nhanh chóng trang bị khoảng 100 xe chiến đấu Stryker, với thiết bị phòng không, bao gồm radar, pháo 30mm và 4 bộ tên lửa Stinger. Hệ thống phòng không tự hành này sẽ sẵn sàng chiến đấu vào mùa thu năm nay.

Đồng thời quân đội Romania đã sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard kiểu cũ của họ, được phát triển từ những năm 1980, để bảo vệ "Nhóm chiến đấu Ba Lan"; đây cũng là hỏa lực phòng không tầm thấp duy nhất của lực lượng này.

Trung tá Jason Adler, chỉ huy đơn vị chiến đấu Stryker của quân đội Mỹ nói rằng, Gepard đã mang lại những khả năng đáng kinh ngạc cho nhóm chiến đấu. Trong một cuộc tập trận vào mùa xuân năm nay, quân đội Mỹ đã phóng pháo sáng, để giúp pháo phòng không Gepard của Romania, tiến hành bắn đạn thật vào ban đêm.

Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc tế Estonia khuyến nghị, NATO nên triển khai thêm các hệ thống phòng không tầm ngắn ở Biển Baltic. Nhóm nghiên cứu cho rằng, các quốc gia thuộc liên minh NATO, nên khuyến khích quân đội, được triển khai tới khu vực, trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn.

Nhưng giả sử nếu có tình huống xung đột xảy ra giữa NATO và Nga, với hỏa lực của 40 khẩu pháo phòng không tự hành Gepard của Romania và khoảng 100 hệ thống phòng không tự hành của Mỹ, số vũ khí này, không thể đảm bảo lập chiếc ô phòng không tầm thấp trước trực thăng, máy bay cường kích và UAV rất đông đảo của Nga. Nguồn ảnh: Pinterest.

Quân đội NATO tập trận với tên lửa phòng thủ Patriot - tổ hợp phòng không phổ biến bậc nhất của NATO hiện nay. Nguồn: NIFM.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phong-khong-tien-tuyen-cua-nato-tham-hai-toi-muc-khong-tuong-1574365.html