Phòng, chống thiên tai tại các vùng nguy cơ cao ở Tây Bắc

Do địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn nên hằng năm, các tỉnh khu vực Tây Bắc thường chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất. Trước thực trạng này, các địa phương vùng Tây Bắc đã có nhiều giải pháp để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguy hiểm luôn chực chờ

Do tác động của biến đổi khí hậu, các khu dân cư ở Tây Bắc nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tại tỉnh Điện Biên, hai khu dân cư ở trung tâm xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) và xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) xuất hiện vết nứt địa chất lớn. Nhiều năm nay, tại khu vực bản Pa Xa Xá, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên liên tục xảy ra hiện tượng đá lăn từ trên núi xuống, đe dọa nghiêm trọng tính mạng, tài sản của người dân. Theo cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 28 điểm, khu dân cư ở các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà... nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Tại tỉnh Sơn La có 46 điểm, khu dân cư với hơn 2.000 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, chủ yếu ở các huyện: Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Sông Mã, Mai Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lèo (BĐBP tỉnh Sơn La) tham gia khắc phục một số điểm sạt lở đất trên địa bàn xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, ngày 4-8-2023. Ảnh: QUÀNG HÙNG

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 234 điểm, khu dân cư với 5.215 hộ dân ở trong vùng nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai cần phải có phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18-5-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, 143 điểm với 3.298 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá lăn; 21 điểm với 167 hộ nằm trong khu vực thường xuyên bị lũ quét; 70 điểm với 1.750 hộ nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập úng.

Trước mùa mưa lũ năm nay, UBND các tỉnh nói trên đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động rà soát, lập phương án cụ thể sẵn sàng ứng phó. Trao đổi về thực trạng các khu dân cư nằm trong vùng nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đều chung quan điểm: Hầu hết bản, khu dân cư đều ở những huyện vùng cao, cạnh sông, suối có độ dốc lớn, địa chất không ổn định, do vậy dễ bị tác động bởi mưa lũ.

Như trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến hơn 10 người thương vong, chủ yếu do bị nước lũ cuốn trôi và do sạt lở đất đá; hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng; nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ: 4H, 279D, 32, 6, 70, 543D, 7A và các tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT), tính đến ngày 7-8, các địa phương đã tổ chức rà soát, huy động lực lượng di dời các hộ dân ra khỏi 32 khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.

Sẵn sàng các phương án ứng phó

Để hạn chế rủi ro cho người dân vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai, trước mùa mưa lũ năm nay, các địa phương khu vực Tây Bắc đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xây dựng phương án ứng phó cụ thể với từng tình huống. Giải pháp được các tỉnh đặc biệt quan tâm là yêu cầu cấp ủy, chính quyền các huyện có những khu, điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ phải thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết, thiên tai và hiện tượng sạt lở đất, đá trên địa bàn để kịp thời cảnh báo; đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động ứng cứu. Đặc biệt, khi nhận định có sự nguy hiểm, tình huống cấp bách phải kiên quyết di chuyển người dân khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Thực tế trong đợt mưa lũ vừa qua, nhờ kịp thời di dời nhiều hộ dân khỏi vùng nguy cơ cao nên mặc dù địa bàn Tây Bắc có rất nhiều điểm sạt lở, lũ quét nhưng thiệt hại giảm so với trước.

Nói về phương án bố trí, sắp xếp dân cư khu vực nguy cơ ảnh hưởng thiên tai tại địa phương, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: Sở đã tham mưu với UBND tỉnh phương án bố trí, sắp xếp dân cư theo 3 hình thức là di chuyển tập trung, bố trí dân cư xen ghép và sắp xếp dân cư tại chỗ. Với tổng số 5.215 hộ dân ở 234 điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ, tỉnh đã có phương án bố trí 915 hộ theo hình thức di chuyển tập trung tại 28 khu tái định cư; 1.471 hộ sẽ bố trí di dân xen ghép tại 109 điểm; còn lại 2.829 hộ sẽ được bố trí ổn định tại chỗ với tổng số 102 điểm.

Tại tỉnh Sơn La, Sở NN-PTNT tỉnh cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố công trình PCTT để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm hồ, đập thủy lợi; phối hợp với các ngành và cấp huyện triển khai kiểm soát an toàn thiên tai, xử lý vi phạm lấn chiếm làm ảnh hưởng đến thoát lũ, gia tăng ngập lụt, nhất là các lưu vực suối Nậm La, suối Nậm Pàn, suối Tấc, suối Muội.

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn vào tháng 7 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về PCTT nhấn mạnh: Công tác diễn tập PCTT và tìm kiếm cứu nạn rất quan trọng. Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm diễn tập thường xuyên, xây dựng kịch bản phù hợp, sát thực tế từng địa phương; nâng cao năng lực trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, công cụ hỗ trợ PCTT; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân có biện pháp ứng phó thiên tai...

Theo đồng chí Trần Văn Thượng, Phó giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, để công tác PCTT đạt hiệu quả, các địa phương cần căn cứ kết quả khảo sát các khu dân cư có nguy cơ cao bị ảnh hưởng thiên tai, chỉ đạo ngành chuyên môn, đơn vị liên quan chủ động phối hợp, hỗ trợ xây dựng phương án ứng cứu cụ thể theo từng cấp độ rủi ro thiên tai trên tinh thần “4 tại chỗ”. Trong đó ưu tiên phương án huy động mọi nguồn lực để chủ động ứng phó hiệu quả khi xảy ra thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Vận dụng kinh nghiệm thực tiễn trong công tác PCTT tại các địa phương để có phương án di chuyển người, tài sản của nhân dân ra khỏi vùng nguy cơ thiên tai. “Kinh nghiệm này đã được huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên thực hiện thành công trong mùa mưa năm 2022”, đồng chí Trần Văn Thượng nêu rõ.

Bài và ảnh: HÀ HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/phong-chong-thien-tai-tai-cac-vung-nguy-co-cao-o-tay-bac-738195