Phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử được cải thiện

Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023 công bố ngày 2.4, người dân nhận thấy có cải thiện trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng và quản trị điện tử ở địa phương, nhưng lại đánh giá thấp hơn hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định tại địa phương.

Ba vấn đề người dân quan tâm nhất

Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết, Báo cáo PAPI 2023 lấy ý kiến của gần 20.000 người dân ở 63 tỉnh, thành phố; đây là số lượng người tham gia khảo sát lớn nhất từ trước tới nay.

Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023. Ảnh: Vũ Quang

Cuộc khảo sát phát hiện 3 vấn đề nổi bật. Trước hết, mức độ hài lòng của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công đã được cải thiện ở cấp địa phương - đây là tiến bộ đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, người dân vẫn còn những quan ngại với một số chỉ số phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực tuyển dụng nhân lực; tính minh bạch trong quá trình ra quyết định ở địa phương…

Theo bà Ramla Khalidi, công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có ý nghĩa quan trọng trong phòng ngừa tham nhũng ở khu vực công, bởi khi người dân có thông tin đúng, đủ, họ mới có thể thực hiện “kiểm tra, giám sát” và yêu cầu cán bộ, công chức giải trình. Điều đáng lo ngại là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021. Đặc biệt, trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã, tỷ lệ người được hỏi xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai năm 2023 đã giảm xuống còn 39% - mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019.

Phát hiện thứ hai là khả năng tiếp cận quản trị điện tử của người dân tăng so với năm 2022. Số liệu PAPI 2023 cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử cấp quốc gia và cấp tỉnh có xu hướng tăng lên, mặc dù con số tổng thể vẫn còn thấp.

Phát hiện thứ ba là những vấn đề người tham gia khảo sát quan tâm nhất trong năm 2023. Theo đó, 3 vấn đề người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%).

Thừa Thiên Huế đng đầu cả nước về Chỉ số PAPI 2023

Theo kết quả khảo sát, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng đầu bảng xếp hạng PAPI 2023 với trên 46,04 điểm. Thang điểm này được dựa trên khảo sát sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.

Các địa phương đứng kế tiếp trong bảng xếp hạng gồm Thái Nguyên (45,78 điểm), Bắc Ninh (45,70 điểm), Sóc Trăng (45,61 điểm), Bạc Liêu (45,57 điểm), Ninh Thuận (45,50 điểm). Trong khi đó, Hà Nội chỉ đạt 43,96 điểm và TP. Hồ Chí Minh đạt trên 41,77 điểm. Tỉnh Đắk Nông đứng cuối cùng của bảng xếp hạng PAPI 2023 với 38,97 điểm. Riêng dữ liệu 2 tỉnh Bình Dương và Quảng Ninh bị khuyết do kết quả khảo sát vượt giá trị sai số cho phép trong thống kê.

Theo báo cáo đánh giá của PAPI 2023, chất lượng quản trị và hành chính công tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và miền Trung có xu hướng được người dân đánh giá cao hơn so với các địa phương phía Nam. Trong 15 địa phương thuộc nhóm cao, có 5 địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, 4 địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng. Trong 16 địa phương thuộc nhóm "thấp" có 7 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và 3 địa phương thuộc vùng Tây Nguyên. Khoảng cách hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng thu hẹp. Mức chênh lệch điểm chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp nhất (38,97 điểm) và cao nhất (46,04 điểm) là khoảng 7,07 điểm - nhỏ hơn khoảng cách của Chỉ số PAPI 2021 và 2022 (khoảng cách lần lượt là 9,07 điểm và 10,84 điểm).

PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên. Đây là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.

Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Trong suốt 15 năm qua, có tới 197.779 lượt người dân trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI từ năm 2009. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Vũ Quang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/phong-chong-tham-nhung-va-quan-tri-dien-tu-duoc-cai-thien-i365034/