Phòng chống dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội. Ảnh: KIM CHI

Trong bối cảnh hiện nay, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Đây cũng là những cơ sở cách ly y tế theo quyết định của tỉnh và quy định của Bộ Y tế.

Đang nuôi dưỡng tập trung 76 người có công cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội và 49 đối tượng cai nghiện ma túy tập trung, trợ giúp xã hội, hai cơ sở nói trên thường xuyên tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh, bố trí nước rửa tay sát khuẩn, chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ... cho các đối tượng.

Chăm sóc ở mức độ cao

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội, 76 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại trung tâm đều già yếu, là trẻ em khuyết tật, có nhiều bệnh nền, rất dễ bị lây nhiễm bệnh nên trung tâm đặc biệt chú trọng đến công tác chăm sóc. “Vì cơ sở đứng chân trên địa bàn xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), có nguy cơ liên quan đến ổ dịch chợ Màng Màng, nên ngay từ khi dịch bùng phát vào cuối tháng 6, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được đơn vị triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Trung tâm cấp phát khẩu trang thường xuyên và bắt buộc các đối tượng phải sử dụng; cấp nước sát khuẩn tại các khu vực ở; phân chia, bố trí theo khoảng cách, tránh tiếp xúc giữa các khu vực với nhau; điều chỉnh bổ sung chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng; điều chỉnh hoạt động trị liệu, phục hồi chức năng để nâng cao sức khỏe. Đồng thời ngừng toàn bộ hoạt động người thân vào thăm hỏi đối tượng”, bà Nga cho biết.

Ngoài ra, đều đặn hàng tuần, nhân viên y tế tiến hành phun khử khuẩn trong khuôn viên trung tâm, nhất là ở các khu vực có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Các đối tượng đều được lấy mẫu xét nghiệm. Đến nay, trung tâm đã lấy mẫu xét nghiệm 100% cán bộ, nhân viên và đối tượng. 4/7 cụ người có công và 17/30 cán bộ nhân viên được tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Cụ Huỳnh Thị Liễu, vợ liệt sĩ, đã hơn 100 tuổi, là một trong bảy cụ được tiêm vắc xin, nói: Bà già rồi, vì dịch bệnh không được đi ra ngoài cũng thấy khó chịu trong người nhưng vì tình hình chung, phải ráng ở trong phòng, không tiếp xúc với ai. Bà mong dịch bệnh qua mau để có thể ngồi ghế đá mà trò chuyện với người khác.

Còn tại Cơ sở Cai nghiện ma túy và Trợ giúp xã hội, nơi có 46 đối tượng đang cai nghiện ma túy tập trung, bên cạnh phun thuốc khử khuẩn, cơ sở cũng thực hiện các biện pháp quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cơ sở đã chủ động vệ sinh khuôn viên, khơi thông cống rãnh, trang bị khẩu trang, nước rửa tay, hàng ngày theo dõi tình trạng sức khỏe các học viên và đối tượng nuôi dưỡng, kết hợp với chăm sóc, điều trị các bệnh thông thường.

Ông Cao Tấn Trường, Giám đốc cơ sở này cho biết: Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, đơn vị phân chia 12 cán bộ nhân viên thành 2 ca, mỗi ca 6 người, trực 24/24 giờ tại cơ sở trong vòng một tuần và thực hiện “ba tại chỗ” trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Cán bộ nhân viên, các đối tượng cai nghiện đều được xét nghiệm và có kết quả âm tính. Nguồn thực phẩm được khử khuẩn trước khi tiếp nhận. Các đối tượng được bố trí nơi ở cách biệt, tránh tiếp xúc qua lại, hàng ngày được bổ sung vitamin C, rèn luyện thể dục thể thao để giúp tăng sức đề kháng...

Cần sự chung tay, hỗ trợ

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để đảm bảo an toàn cho các đối tượng, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở chủ động xây dựng các phương án, kịch bản và thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp phòng chống dịch COVID-19. Công tác kiểm soát người ra vào được siết chặt. Khâu tiếp nhận nguồn thực phẩm cho đối tượng được thực hiện khép kín, khử khuẩn trước khi nhận. Hiện nay, các cơ sở đã tạm dừng tiếp nhận đối tượng mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, thời gian qua, công tác cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu gặp khó khăn do nguồn cung từ các chợ truyền thống đóng cửa.

Ông Cao Tấn Trường chia sẻ: Các đối tượng đang được chăm sóc theo mức quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh, nguy cơ lây lan rất lớn nên phải cung cấp nguồn dinh dưỡng cao hơn để đảm bảo sức khỏe các đối tượng. Do vậy, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm để cơ sở chăm lo chu đáo hơn cho đối tượng, góp phần phòng chống dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga cũng cho hay: Dịch COVID-19 khiến giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi đó chế độ nuôi dưỡng còn hạn chế. Trung tâm rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân để giúp đơn vị có thêm điều kiện chăm lo cho các đối tượng yếu thế. Ngoài ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên và các đối tượng tại trung tâm, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm xét nghiệm, test nhanh cho nhân viên trước khi vào thay đổi ca làm việc để kịp thời phát hiện, tránh dịch xâm nhập, lây lan vào trung tâm.

Ngoài ưu tiên tiêm vắc xin cho cán bộ, nhân viên và các đối tượng tại trung tâm, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm xét nghiệm, test nhanh cho nhân viên trước khi vào thay đổi ca làm việc để kịp thời phát hiện, tránh dịch xâm nhập, lây lan vào trung tâm.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng

người có công và Bảo trợ xã hội

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/262554/phong-chong-dich-tai-cac-co-so-bao-tro-xa-hoi.html