Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội

'10 năm trước, ngày nào ở xã cũng có gia đình xảy ra cãi vã, nhưng từ khi mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập, các vụ bạo lực gia đình giảm rõ rệt. Nhiều vụ bạo lực gia đình được giải quyết kịp thời, giúp các cặp vợ chồng hòa giải mâu thuẫn, hàn gắn tình cảm' - bà Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) bày tỏ khi nói về hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn.

Đến nay, mô hình câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình của xã Võ Lao đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Thông qua tuyên truyền đã thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của người dân đối với công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em… Các câu lạc bộ lập danh sách các đối tượng có nguy cơ về bạo lực giới để có biện pháp ngăn chặn; thăm, tặng quà và động viên học sinh giỏi, giúp đỡ các gia đình khó khăn.

 Nhiều hội thi, tọa đàm về phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức, thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của người dân đối với công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Nhiều hội thi, tọa đàm về phòng chống bạo lực gia đình được tổ chức, thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức của người dân đối với công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Tại thành phố Lào Cai, phường Kim Tân là một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua thành lập mô hình “Cùng xây tổ ấm” đã thu hút 46 thành viên (23 cặp vợ chồng) tham gia. Từ khi mô hình đi vào hoạt động, các thành viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực, góp phần gắn kết, dung hòa mối quan hệ gia đình, đẩy lùi những xung đột, bạo lực.

Ông Vũ Ngọc Lân, thành viên tham gia mô hình “Cùng xây tổ ấm” bộc bạch: Tôi tham gia mô hình với mong muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và những người xung quanh thông qua việc thuyết phục, vận động nam giới nói không với bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, tôi muốn giúp nhiều đàn ông hiểu được giá trị của hạnh phúc gia đình, tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết những khó khăn thay vì sử dụng bạo lực.

Mô hình “Cùng xây tổ ấm” của phường Kim Tân là mô hình đầu tiên trên địa bàn thành phố có thành viên là nam giới tham gia, nhằm phát huy vai trò của nam giới đối với bình đẳng giới. Tham gia mô hình đều là những gia đình tiến bộ, hạnh phúc, nam giới luôn sẵn sàng chia sẻ với nữ giới từ việc gia đình đến công tác xã hội.

Chị Lương Hạnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.

Theo báo cáo kết quả thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2009 - 2018, trung bình mỗi năm toàn tỉnh xảy ra 160 vụ bạo lực gia đình. Từ năm 2020 trở về đây số vụ bạo lực gia đình giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 20 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2021 giảm còn 12 vụ và năm 2022 còn 11 vụ.

Tính đến hết năm 2022, tỉnh Lào Cai đã thành lập 112 mô hình, 560 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; 685 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 685 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 167 địa chỉ tin cậy cộng đồng, điểm tạm lánh... Từ các mô hình này, ngành chức năng, địa phương đã tích cực tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề bạo lực gia đình, kịp thời phát hiện, hòa giải các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình thoát khỏi nguy hiểm trước mắt.

 Sở Văn hóa và Thể thao đã treo 25 băng zôn, in 10.000 tờ gấp về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phục vụ công tác tuyên truyền tại các huyện, thị xã, thành phố.

Sở Văn hóa và Thể thao đã treo 25 băng zôn, in 10.000 tờ gấp về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, phục vụ công tác tuyên truyền tại các huyện, thị xã, thành phố.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các mô hình cũng như nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng và của mỗi người. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình; lồng ghép công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Ngoài ra, chú trọng phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng, vai trò của họ hàng, dòng họ; tổ chức những khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, nhất là ở cơ sở... góp phần kéo giảm bạo lực gia đình và xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Bà Vũ Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao) cho biết: Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, nhận thức của các thành viên trong gia đình được nâng lên, đồng thời tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể của địa phương trong việc triển khai phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-la-trach-nhiem-cua-toan-xa-hoi-post370116.html