Phòng bệnh cho vật nuôi mùa nắng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng 98.600 con heo, 3,2 triệu con gia cầm. Thời tiết nắng nóng, sức đề kháng của đàn vật nuôi yếu, khiến chúng dễ bị nhiễm bệnh. Chính vì thế, người nuôi cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, từ đầu năm đến nay có 2.481 con heo bị bệnh thông thường, chết 839 con. Ðối với bệnh dịch tả heo châu Phi, đã xảy ra 14 ổ dịch tại 12 xã và 2 thị trấn của 5 huyện; không phát sinh bệnh trên gia cầm.

Mặc dù tình hình bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt và không gia tăng, nhưng không vì thế mà ngành chăn nuôi lơ là, chủ quan. Bà Huỳnh Thị Ái Xuyên, Phó trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: “Trong thời gian qua, ngành luôn đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao (như các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm,...) để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường”.

Ðược cán bộ khuyến nông xã tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh trên đàn heo nuôi, chị Danh Thị Cuôn, Ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, luôn giữ gìn vệ sinh chuồng trại và đảm bảo nguồn thức ăn an toàn.

Bên cạnh đó, người nuôi còn được lưu ý, khi mua con giống cần mua ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Ðặc biệt, con giống mới mua về cần được nuôi cách ly trước khi nhập đàn từ 15-20 ngày.

Chị Nguyễn Thị Tuyền, ấp Khánh Tư, xã Ðông Thới, huyện Cái Nước, chia sẻ: “Tôi nuôi được vài chục con gà, vịt. Ngoài lấy trứng, tôi còn bán gà, vịt thịt cho bà con lối xóm, chính vì thế tôi luôn chọn con giống khỏe mạnh, tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, chuồng nuôi thì vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng”.

Mặc dù nuôi gà vịt không nhiều nhưng chị Nguyễn Thị Tuyền, ấp Khánh Tư, xã Đông Thới, huyện Cái Nước luôn thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, không thả rong vật nuôi.

Ðể phòng bệnh cho đàn heo, cũng như đàn gia cầm trong thời điểm hiện nay, bà Huỳnh Thị Ái Xuyên khuyến cáo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo, khi phát hiện có hiện tượng heo bệnh, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Ðồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và những người xung quanh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện "5 không”: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm mắc bệnh; không giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm bệnh, gia súc, gia cầm chết; không vứt gia súc, gia cầm chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để cho heo ăn.

Ngoài ra, người nuôi nên kiểm soát chặt chẽ việc xuất - nhập đàn, nuôi cách ly, kiểm soát người vào khu vực chăn nuôi; nên chăn nuôi theo phương thức “cùng vào - cùng ra”. Tiêm phòng định kỳ, đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin cho đàn vật nuôi như: vắc xin dịch tả heo cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng, suyễn heo, phó thương hàn, tụ huyết trùng trên heo; cúm gia cầm, dịch tả vịt, đậu trên gia cầm./.

Quỳnh Anh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/phong-benh-cho-vat-nuoi-mua-nang-a32230.html