Phối hợp hành động liên ngành phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người

Đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người như: cúm gia cầm động lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn da vàng. Trong đó phổ biến là bệnh dại và cúm gia cầm .

Năm 2023, toàn quốc có 82 ca mắc bệnh dại và tử vong, tăng 12 ca so với năm 2022. Trong gần 3 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã xảy ra 27 ca mắc bệnh dại và tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế

Cũng từ năm 2003 đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 112 trường hợp người nhiễm cúm gia cầm, trong đó có 57 ca tử vong. Hiện cúm gia cầm độc lực cao tại Việt Nam chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì thế, các trường hợp nhiễm bệnh thường diễn biến nặng và có tỷ lệ tử vong cao.

Tại Lạng Sơn, từ năm 2021 đến nay, tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đa số người tử vong đều do chủ quan khi bị chó cắn không tiêm vắc-xin phòng dại. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào nghi nhiễm cúm gia cầm (A/H5N1).

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp trên toàn quốc, từ 14/3 đến nay, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các công văn chỉ đạo các cấp, các ngành của tỉnh tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại và phòng, chống bệnh cúm gia cầm lây sang người.

Tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ Y tế như: Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; quan tâm đến chế độ chính sách lâu dài cho nhân viên y tế. Bộ Y tế tiếp tục thông báo kịp thời các bệnh truyền nhiễm mới; tổ chức các lớp tập huấn tăng cường giám sátphòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ nguyên nhân phát sinh các bệnh lây truyền từ động vật sang người; những khó khăn hạn chế trong công tác tiêm vắc-xin phòng dại cho người khi bị động vật cắn; hạn chế trong công tác tiêm phòng các bệnh trên động vật; đề xuất các giải pháp trọng điểm để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đều khẳng định: Công việc quan trọng nhất hiện nay là tăng cường phối hợp hành động liên ngành và tăng cường năng lực giám sát, chẩn đoán, đáp ứng điều trị và truyền thông tới cộng đồng nhằm phòng chống từ xa, từ sớm các bệnh lây truyền từ động vật sang người; các đơn vị y tế ở trung ương và các địa phương chuẩn bị nhân lực, vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người;… Để không có người bị mắc bệnh thì trước tiên phải không có động vật bị bệnh, đặc biệt là không để phát sinh ổ bệnh dại và cúm gia cầm. Theo đó, ngành y tế và ngành NN&PTNT từ trung ương đến địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác giám sát, đảm bảo phát hiện sớm các ổ bệnh dại trên đàn chó, mèo và ổ bệnh cúm gia cầm trên đàn gia cầm; phối hợp tốt trong công tác xử lý các ổ bệnh phát sinh trên động vật;…

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phoi-hop-hanh-dong-lien-nganh-phong-chong-cac-benh-lay-truyen-tu-dong-vat-sang-nguoi-5003847.html