Phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh

Những năm qua, việc thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Nam - Kon Tum và Quảng Ngãi - Bình Định đã đem lại những kết quả tích cực, qua đó kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ phá rừng ở vùng giáp ranh.

Hiệu quả từ công tác phối hợp

Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum là 3 tỉnh liền kề, có vùng rừng giáp ranh hơn 260km. Dân cư ở địa bàn vùng giáp ranh còn thưa thớt, với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, phương thức canh tác chủ yếu là phát nương làm rẫy. Rừng giáp ranh giữa Quảng Ngãi với các tỉnh hầu hết là rừng tự nhiên, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu. Chính vì thế, rừng ở khu vực này luôn có nguy cơ bị xâm hại cao.

Lực lượng kiểm lâm hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa hai địa phương. ẢNH: KLCC

Nhất là khi Quốc lộ 24 (Kon Tum - Quảng Ngãi), các tuyến đường Đông Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh, đường 626, đường liên huyện Trà Bồng - Bắc Trà My (Quảng Nam) được nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện miền núi. Song, việc khai thác, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép ngày càng diễn ra phức tạp hơn.

Để bảo vệ rừng vùng giáp ranh mang lại hiệu quả, hơn chục năm qua, Quảng Ngãi đã ký quy chế phối hợp với các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định. Riêng trong hai năm 2019 - 2020, các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh, Đội Kiểm lâm cơ động và Đội Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm 3 tỉnh đã tổ chức kiểm tra, truy quét các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng tại vùng giáp ranh. Nhờ đó, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện và lập biên bản vi phạm 277 vụ, xử lý 272 vụ; xử phạt hành chính 256 vụ; tang vật, phương tiện bị tịch thu hơn 850.000m3 gỗ quy tròn các loại, 1 cá thể voọc, 11 cá thể rùa núi viền, 5 xe ô tô... Tổng số tiền thu vào ngân sách nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Có nhiều diện tích rừng thuộc tỉnh ta, nhưng lại gần khu vực dân cư của tỉnh bạn và ngược lại. Vì vậy, chỉ có công tác phối hợp giữa các tỉnh mới có thể thông tin kịp thời các trường hợp phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Nhờ thực hiện tốt quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Cần rà soát, điều chỉnh những bất cập

Mặc dù, công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, song tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất lâm nghiệp, dẫn đến nguy cơ phá rừng vẫn diễn ra ở không ít vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Những tranh chấp này một phần xuất phát từ việc lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính giữa các tỉnh, các cấp không phù hợp. Do đó, có nhiều trường hợp, đất của tỉnh này, nhưng người dân ở tỉnh khác đến ở và canh tác, dẫn đến tranh chấp. Đơn cử như vùng đất thuộc xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ), nhưng người dân Bình Định ra canh tác gần 1.000ha...

Thời gian qua, các địa phương cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan ban, ngành liên quan, tổ chức rà soát, điều chỉnh những bất cập trong việc lập và quản lý hồ sơ địa lý các cấp, nhất là giải quyết dứt điểm đường ranh giới. Tuy nhiên, việc phân chia lại địa giới hành chính cần nhiều thời gian, vì vậy, các địa phương cần tiếp tục phát huy công tác bảo vệ rừng vùng giáp ranh, kịp thời giải quyết, hòa giải, tránh xảy ra tranh chấp đất giữa các địa phương. Bên cạnh đó, triển khai việc lắp đặt camera tại các điểm nóng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền vận động để nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng; chú trọng xây dựng các mô hình trồng rừng gắn với sinh kế của người dân trong khu vực; huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, đoàn thể trong công tác phối hợp tuyên truyền, truy vết, đẩy đuổi các đối tượng mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép...

HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202105/phoi-hop-bao-ve-rung-vung-giap-ranh-3059187/