Phổ Yên xứng đáng là cực tăng trưởng phía Nam

Với những lợi thế của địa phương, những năm qua, T.X Phổ Yên không chỉ ưu tiên phát triển công nghiệp mà còn phát triển hài hòa các ngành kinh tế du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã trở thành đô thị công nghiệp phát triển bền vững, xứng đáng là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh.

Công ty CP Elovi Việt Nam, tại xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên, hiện đang sở hữu một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với công suất trên 80 triệu lít sữa/năm.

Công ty CP Elovi Việt Nam, tại xã Thuận Thành, T.X Phổ Yên, hiện đang sở hữu một trong những nhà máy sản xuất sữa lớn nhất Việt Nam với công suất trên 80 triệu lít sữa/năm.

Năm 2020, tổng giá trị sản xuất Ngành Công nghiệp của T.X Phổ Yên ước đạt 750 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,18 lần so với năm 2015; trong đó, ngành công nghiệp do địa phương quản lý 6.100 tỷ đồng, vượt 22% so với mục tiêu, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,67%; thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm (vượt 5 triệu đồng so với mục tiêu đề ra).

Đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND T.X Phổ Yên cho biết: Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của tỉnh Thái Nguyên, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Với lợi thế trên, những năm qua, thị xã định hướng phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào hoạt động kinh tế công nghiệp, trọng tâm là Tổ hợp Samsung và các nhà máy phụ trợ; công nghiệp đa ngành không gây ô nhiễm môi trường, phát triển ở phía Đông và một phần phía Nam thị xã.

Trên cơ sở đó, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn. Đặc biệt, sự có mặt của Tập đoàn Samsung tại Khu Công nghiệp Yên Bình đã kéo theo hàng loạt các ngành công nghiệp phụ trợ, các dự án về hạ tầng xã hội ra đời và đi vào hoạt động. Đây là cơ hội quan trọng để thị xã cải thiện môi trường đầu tư, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Đến nay, thị xã có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 870ha, trong đó 640ha thuộc Phổ Yên, gồm: Khu công nghiệp Yên Bình (400ha); Khu công nghiệp Nam Phổ Yên (120ha); Khu công nghiệp Điềm Thụy (120ha). Tại các Khu công nghiệp đã thu hút 28 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký 6.703 triệu USD; 19 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư 5.794 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 50% diện tích được phê duyệt.

Ngoài ra, thị xã cũng có 4 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 104,64ha, gồm: CCN số 2 Cảng Đa Phúc (30ha); CCN số 3 Cảng Đa Phúc (19,64ha); CCN Vân Thượng (47ha); Làng nghề Tiên Phong (8ha) mới được quy hoạch. Trong đó, 2 CCN đã có quyết định phê duyệt chi tiết (CCN số 2 và 3 Cảng Đa Phúc) và 2 CCN chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết; 16 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đã đầu tư sản xuất, lấp đầy 80% diện tích được phê duyệt. Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển, góp phần thúc đẩy kinh tếđịa phương tăng trưởng mạnh mẽ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hằng năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân từ 18% đến 27,7%, thương mại dịch vụ tăng bình quân 16%, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 5.300 lao động/năm...

T.X Phổ Yên có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

T.X Phổ Yên có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Cùng với ưu tiên phát triển công nghiệp, thị xã cũng tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn; khai thác cảnh quan sinh thái, các công trình văn hóa lịch sử kết nối với chuỗi du lịch liên tỉnh, hướng tới khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần và các đợt nghỉ ngắn ngày phục vụ thị trường trung tâm Thủ đô Hà Nội. Theo đó, thị xã chủ trương phát triển “Khu du lịch sinh thái phía Đông Tam Đảo” tại các xã phía Tây của T.X Phổ Yên (Phúc Thuận, Thành Công, Minh Đức…). Khu du lịch này gắn với các điểm du lịch như: hồ Suối Lạnh, hồ Núi Cốc, hồ Nước Hai và vùng trồng cây lâu năm: (chè, nhãn...).

Để hiện thực hóa chủ trương này, thị xã đã thực hiện Công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích Lý Nam Đế, đồng thời từng bước tôn tạo, bảo tồn và khôi phục các lễ hội liên quan đến di tích Vua Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong. Hiện nay, Tập đoàn T&T đã và đang thực hiện lập quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án có quy mô trên 5.600ha, với nhiều phân khu chức năng như khu vui chơi giải trí, khu du lịch tâm linh, khu làng sinh thái, khu biệt thự nghỉ dưỡng… hứa hẹn sẽ mang đến bộ mặt cảnh quan mới cho T.X Phổ Yên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung.

Đồng chí Ôn Văn Huân, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Thuận cho biết: Với lợi thế vùng cây ăn quả tập trung có diện tích hơn 300ha, hiện nay, xã định hướng người dân gắn kết khu vực dân cư với hoạt động du lịch cộng đồng, tạo điều kiện để người dân tham gia vào hoạt động du lịch, góp phần tăng thu nhập, đồng thời tạo sự phong phú, đa dạng cho hoạt động du lịch trên địa bàn.

Để T.X Phổ Yên sớm trở thành đô thị công nghiệp phát triển năng động bền vững, thị xã sẽ tiếp tục khai thác tốt mối quan hệ đô thị - nông thôn; tạo điều kiện để người lao động chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp hoặc thương mại - dịch vụ trên chính quê hương mình. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp sản xuất nông nghiệp với dịch vụ du lịch... đảm bảo phát triển kinh tế hài hòa, bền vững.

Trịnh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/dau-tu/pho-yen-xung-dang-la-cuc-tang-truong-phia-nam-278951-102.html