Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

BHG - Chiều 1.6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tập trung tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022… Tham gia thảo luận, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã nêu một số nội dung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP). Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài phát biểu của Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan.

Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan tham gia thảo luận

Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan tham gia thảo luận

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp! Kính thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu về nội dung thực hành tiết kiệm, CLP năm 2022

Tôi hoàn toàn đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách về kết quả THTK, CLP. Kết quả THTK, CLP trong thời gian qua đã được thể hiện rõ nét sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chất lượng dự án luật, pháp luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Để tiếp tục tham gia vào báo cáo kết quả THTK, CLP tôi xin bổ sung 1 số nội dung sau:

Một là, hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với đó là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và là cơ sở quan trọng nhất để THTK, CLP. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2022 được đánh giá là năm Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt việc này, 602 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trong đó có nhiều quy định liên quan đến THTK, CLP đã được ban hành; ban hành mới gần 10.000 văn bản; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trên 2.600 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Đoàn ĐBQH tỉnh ta tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh ta tại phiên họp

Tuy nhiên, điều mà cử tri, nhân dân và ĐBQH quan tâm là Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành các quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư công; trong triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG,) chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; trong mua sắm, quản lý, sử dụng trụ sở, nhà đất của các cơ quan nhà nước; quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước, quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, và đặc biệt là những lãng phí do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm, kéo dài thực hiện các thủ tục hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho thấy:

(1) Tình trạng chưa đảm bảo tiến độ trình các dự án luật, dự thảo các nghị định kèm theo không đảm bảo chất lượng, còn rất hình thức (đơn cử như dự thảo Nghị định kèm theo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh đang trình tại kỳ họp này còn sơ sài, chung chung, khó có thể triển khai thực hiện ngay, có điều còn không chi tiết như quy định tại dự thảo Nghị quyết);

(2) Dự án luật chuẩn bị chưa đảm bảo chất lượng như dự án sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (dự án luật mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải sớm được ban hành);

(3) Ngoài ra, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục; có tới 44 điều, khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết; 64 văn bản đã ban hành nhưng chậm so với yêu cầu.

Việc chậm, chưa ban hành các quy định pháp luật tất yếu dẫn tới chậm, chưa có cơ sở pháp lý tổ chức triển khai thực hiện. Như CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I: 2021-2025, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách có nêu tới tháng 10.2022 chương trình mới cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản hướng dẫn của T.Ư, và tới nay là tháng 6.2023 hệ thống văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, hoàn thiện, một số tiểu dự án, dự án của chương trình vẫn chưa thể triển khai mặc dù đã bước sang năm thứ 3 thực hiện, điều này gây lãng phí nguồn lực, lãng phí thời gian, lãng phí cơ hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình và đặc biệt là lãng phí cơ hội thụ hưởng, tiếp cận chính sách của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ thực trạng trên, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần thực hiện và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL; tổ chức hội nghị đánh giả việc thực hiện Nghị quyết số 81 ngày 5.11.2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; sau mỗi hội nghị cần triển khai và giao cơ quan chức năng ban hành, tổ chức thực hiện ngay, đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống, qua đó đề cao trách nhiệm trong tổ chức thực hiện và nếu làm tốt việc này sẽ là cơ sở, là gốc cho thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Thứ hai, lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy cũng có thể xảy ra nếu chúng ta chỉ sắp xếp theo tỉ lệ cố định như hiện nay mà không dựa trên cơ sở đặc thù, điều kiện và yêu cầu cụ thể. Vậy đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu về việc này.

Kính thưa quốc hội

Năm 2022 là năm Quốc hội tổ chức giám sát tối cao về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2021. Điểm có thể nhận thấy rõ nhất là đã có sự chuyển biến về nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về THTK, CLP ngay trong quá trình giám sát. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai. Tôi cho rằng đã đến lúc các tổ chức, cá nhân có liên quan cần nhận thức và coi đây là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch hành động, khắc phục những tồn tại, hạn chế, lãng phí đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, trong đó có nhiều nhiệm vụ rất cụ thể, rất khó và phải rất quyết tâm mới hoàn thành như việc rà soát, phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, xử lý các thất thoát, lãng phí liên quan đến 19 dự án chậm triển khai, để đất đai hoang hóa, lãng phí và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng.

Duy Tuấn (Tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202306/pho-truong-doan-dbqh-ly-thi-lan-thao-luan-ve-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-49745b0/