Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ngày 21.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp này, đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số ban HĐND tỉnh, Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường được tham gia dự thính. Đại diện Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh đơn vị tỉnh Hà Giang, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn tham gia thảo luận một số nội dung vào dự thảo luật. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài tham luận.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận. Ảnh: CTV

Phó trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan thảo luận. Ảnh: CTV

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Trên cơ sở báo cáo 170 trang tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của cơ quan soạn thảo, tôi xin có một số ý kiến như sau:

I. Về đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường

Hiện nay, việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều hạn chế, bất cập; các công ty nông, lâm nghiệp không thực hiện sản xuất hoặc sản xuất kém hiệu quả để đất đai lãng phí bị lấn chiếm. Trong khi đó đất nông, lâm trường thường là những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sống xung quanh; đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán ở đâu thì sản xuất ở đó, tuy nhiên, hiện nay họ rất thiếu đất sản xuất. Dự thảo luật đã quy định đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sẽ bàn giao lại cho địa phương và ưu tiên giải quyết cho đồng bảo dân tộc thiểu số.

Tôi đề nghị cần bổ sung quy định vào Điều 79 dự thảo luật sửa đổi về nội dung thu hồi đất nông lâm trường và kể cả đất đã giao, cho thuê nhưng các đơn vị không thực hiện sản xuất, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích và phải thu hồi đất có khả năng canh tác để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo sống ở khu vực có đất nông lâm trường để canh tác, góp phần tạo sinh kế cho người dân.

II. Các trường hợp giao đất, có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất

Theo đó điểm a, khoản 4, Điều 124 quy định đối tượng ưu tiên ở đây gồm công an, bộ đội là rất xác đáng. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến đối tượng cán bộ y tế và giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo. Thực tiễn cho thấy, giáo viên và nhân viên y tế tại các vùng này đa số từ địa phương khác đến công tác, chưa có đất ở, hàng ngày họ phải vượt quãng đường xa từ nơi ở đến nơi làm việc trong điều kiện đi lại hết sức khó khăn. Vượt lên những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng y tế, giáo dục vẫn yêu nghề, nhiệt huyết, bền bỉ cống hiến; họ là những nhân tố quan trọng góp phần giữ ổn định cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung đối tượng “lực lượng y tế và giáo dục công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo” vào Điều 124, đồng thời bổ sung đối tượng này vào Điều 157 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để lực lượng viên chức y tế và giáo dục công tác tại các vùng này đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác.

III. Về đấu thầu dự án có sử dụng đất

Tại Điều 126 quy định trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị là nội dung tôi thấy có rất nhiều ý kiến ở các buổi thảo luận của Quốc hội. Dự thảo luật nhiều lần đưa ra các con số về quy mô diện tích của dự án để xác định đấu thầu hay không đấu thầu nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Tôi cũng đã nghiên cứu về quan điểm xây dựng chính sách này của cơ quan soạn thảo thông qua các báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến. Có thể hiểu được rằng Chính phủ đang muốn sử dụng công cụ đấu thầu để áp dụng đối với các dự án mang tính điểm nhấn, khi ấy chúng ta đặt lợi ích công cộng lên trên hết, yêu cầu phải chọn được những nhà thầu chất lượng. Vậy tại sao chúng ta phải khống chế bằng quy mô diện tích? Tôi cho rằng điểm nhấn không chỉ ở quy mô mà còn ở mục đích, ý nghĩa của công trình. Và mỗi địa phương lại có điều kiện khác nhau, vì vậy tôi đề nghị nên giao cho Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định dự án nào được áp dụng đấu thầu cho phù hợp để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đảm bảo chất lượng, ưu tiên dự án quan trọng của địa phương, không nên quy định quy mô là 5 hay 10 ha.

IV. Về định giá đất

Điều 158 quy định việc định giá đất phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó khăn. Hiện nay trong công tác quản lý, thi hành, do thông tin trên thị trường còn thiếu và chưa chính xác như về giá mua bán giao dịch chuyển nhượng theo hợp đồng mua bán hoặc giao dịch qua tài khoản; quy định giá thị trường trong một khoảng thời gian bao nhiêu lâu vì thị trường bất động sản luôn có sự biến động theo thời gian và phụ thuộc vào nhu cầu, mục tiêu, động cơ của người bán và người mua; hoặc có những nơi, có những loại đất, vị trí trong nhiều năm không có giao dịch chuyển nhượng, người dân sử dụng ổn định, không có nhu cầu mua, bán thì không có thông tin để xác định giá thị trường là bao nhiêu?

Để giải quyết vấn đề trên, tôi đề xuất bổ sung quy định nguyên tắc định giá đất theo hướng “phù hợp với giá giao dịch trung bình trên thị trường tại khu vực định giá hoặc khu vực có điều kiện tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khoảng thời gian 1 năm trước thời điểm định giá”, để khi xác định giá đối với các khu vực, loại đất không có thông tin giao dịch chuyển nhượng thì có thể sử dụng kết quả xác định giá đất tại nơi mà có điều kiện tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật với khu vực định giá.

Khi giá đất tại bảng giá đất đã được xác định theo nguyên tắc sát với giá thị trường và hàng năm được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thị trường thì đề nghị mở rộng thêm các trường hợp được áp dụng giá quy định tại bảng giá đất, thu hẹp các trường hợp phải xác định giá đất cụ thể để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và nhân lực thực hiện. Ngoài ra, việc mở rộng các trường hợp được áp dụng bảng giá đất, trong đó có trường hợp thu thuế khi chuyển quyền sử dụng đất sẽ làm cho người dân không còn e ngại khi kê khai giá giao dịch chuyển nhượng đúng theo giá thực tế đây sẽ làm nguồn dữ liệu quý giá để làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất cho phù hợp với thị trường.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp

Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên họp

Đoàn ĐBQH và Đại biểu HĐND tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại phiên họp

Đoàn ĐBQH và Đại biểu HĐND tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại phiên họp

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202306/pho-truong-doan-dbqh-ly-thi-lan-thao-luan-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-15e3edb/