Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: 'Hoạt động giáo dục, đào tạo phải gắn kết giữa thực học và thực nghiệp'

Để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu rà soát lại, xác định rõ những mục tiêu đã đạt được, chưa đạt được của giai đoạn trước, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, chọn lọc.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa chủ trì phiên họp Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nghe và cho ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng

Theo Dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu của "Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2030, tầm nhìn đến 2045" là phát triển con người Việt Nam toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, tạo lập thế hệ người Việt Nam mới sống lương thiện, giàu khát vọng, có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ, tài năng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, công bằng và bình đẳng, phục vụ học tập suốt đời, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á.

Các mục tiêu cụ thể được xác định cho từng bậc học. Trong đó, ở bậc mầm non, phấn đấu 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030, số cơ sở giáo dục mầm non tư thục đạt 30%.

Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2030, tỉ lệ hoàn thành cấp tiểu học đạt 99,7%, trung học cơ sở đạt 99%, trung học phổ thông đạt 95%.

Trong giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2030 đạt tỉ lệ 260 sinh viên/vạn dân, số cơ sở giáo dục đại học tư thục đạt 35% với số sinh viên theo học đạt 25%.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp thu những nội dung trong quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, đánh giá 5 năm đổi mới đối với giáo dục phổ thông, cập nhật nhu cầu nguồn nhân lực tương lai…

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Giáo dục, đào tạo phải là tiền đề, động lực cho chuyển đổi kinh tế

Tại phiên họp, các ủy viên Hội đồng đã phân tích mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong dự thảo Chiến lược, trên cơ sở kết quả đã đạt được, cùng những tồn tại, hạn chế và thách thức đang đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; những quan điểm, mục tiêu mới của Đảng, Nhà nước về nguồn nhân lực đáp ứng kinh tế số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp chip, bán dẫn, năng lượng mới,… trong bối cảnh thế giới chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.

Theo đó, trong Nghị quyết 29-NQ/TW có những mục tiêu đang đúng hướng, đúng tiến độ thì cần kế thừa; nhóm mục tiêu chưa trúng, chưa đúng hoặc giải pháp triển khai chưa toàn diện, khả thi, Chiến lược cần đưa ra các mục tiêu mới, giải pháp bứt phá nhằm đáp ứng theo yêu cầu nhân lực hiện nay.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chiến lược có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến chính sách giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.

Chiến lược phải kiên trì thực hiện quan điểm, mục tiêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW về cơ sở giáo dục, đào tạo, người dạy, người học,... Từ đó xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp mới, đột phá về chương trình, tiêu chuẩn, tiêu chí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực đối với từng bậc học (phổ thông, học nghề, đại học, sau đại học).

Hoạt động giáo dục, đào tạo phải gắn kết giữa cung cấp kiến thức, kỹ năng và tư duy tự học, giữa thực học và thực nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới, cũng như quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.

"Giáo dục, đào tạo phải là tiền đề, động lực cho chuyển đổi kinh tế", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, cần sử dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, để hình thành hệ thống giáo dục mở, liên thông về chương trình, nội dung, tiêu chuẩn đánh giá, thi cử… hướng tới xây dựng xã hội học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Chiến lược với cách tiếp cận khoa học, bài bản, khả thi; có lộ trình, kế hoạch, nguồn lực, giải pháp rõ ràng, đồng bộ, trọn gói; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong dự báo nhu cầu, yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội,… trong quá trình thực hiện chiến lược.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-hoat-dong-giao-duc-dao-tao-phai-gan-ket-giua-thuc-hoc-va-thuc-nghiep-i363397/