Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Chiều 25.2, tại Bắc Ninh, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị

Tích cực triển khai Nghị quyết số 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết: Ngày 23.12.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để triển khai Nghị quyết trên, ngày 31.12.2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Cũng theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường... Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết, nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Để đảm bảo sự công bằng, hài hòa lợi ích với các bên liên quan, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương có ý kiến tập trung vào vấn đề: Cách xác định giá đất, quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, thế nào là giá thị trường? làm sao có dữ liệu đúng? làm thế nào để điều chỉnh hài hòa lợi ích các bên... Đặc biệt, làm thế nào để luật có thể phân cấp được mạnh mẽ, người dân thể hiện được quyền của mình, Nhà nước thay mặt nhân dân giám sát được biến động đất đai?

Làm rõ tiêu chí bồi thường trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh, thành phố đã báo cáo về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai, đảm bảo phủ hợp với Kế hoạch của Chính phủ; đồng thời chỉ đạo đăng tải nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tỉn điện tử của tỉnh; trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi trường…

Đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã góp ý cụ thể vào từng chương, mục, điều khoản của dự thảo Luật; những kiến nghị sửa đổi các điều luật cụ thể đến Ban soạn thảo dự án luật; những khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương. Các ý kiến tập trung vào một số vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hối đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triên quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hộ gia đình sử dụng đất.

Đại biểu đại diện Thành phố Hà Nội cho biết, tại Khoản 1 Điều 90 quy định điều kiện bồi thường cho hộ gia đình, cá nhân hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất….còn chưa rõ ràng, gây nhiều tranh cãi, khó áp dụng trong thực tiễn. Do đó, đề nghị sửa đổi theo hướng có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo quy định của Luật này (trừ điều kiện phải phù hợp với qui hoạch sử dụng đất) mà chưa được cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đề nghị dự thảo Luật cần thể chế hóa rõ hơn các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định. “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", nguyên tắc này cần được quy định cụ thể và đo lường được để các địa phương có tiêu chí để áp dụng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn cho rằng qui định về Quy hoạch sử dụng đất tại Khoản 5 Điều 60 và Khoản 7 Điều 65 của dự thảo Luật sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện vì việc thực hiện qui hoạch sử dụng đất thường xuyên bị thay đổi bởi các dự án giao thông, thủy lợi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc trong việc hướng dẫn, tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian đóng góp còn lại không nhiều nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Về những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp với thực tiễn và được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tin và ảnh: CHÍ TUẤN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-chu-tri-hoi-nghi-lay-y-kien-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi--i317220/