Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Sẽ duy trì lãi suất điều hành như mức hiện tại

Đây là khẳng định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 diễn ra ngày 25/4.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ: "Điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong gần 4 tháng đầu năm 2024 rất khó khăn, trong bối cảnh tình hình kinh tế chịu tác động rất lớn cả quốc tế và khó khăn nội tại của nền kinh tế, thậm chí nhiều lúc khó khăn hơn".

Thực tế cho thấy, tín dụng trong 2 tháng đầu năm bị âm, không tăng trưởng được, dù cơ chế, bộ máy, chính sách vẫn như vậy. Cầu tín dụng không có, cầu đầu tư, tiêu dùng đều thấp khi doanh nghiệp vẫn còn khó.

Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều tác động khó khăn, đơn hàng có tăng nhưng giá cả tăng cao. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 đến nay, tín dụng đã tăng trở lại, đến thời điểm này khoảng 1,5%.

Hiện, cùng với chính sách tiền tệ, các chính sách hỗ trợ khác từ Chính phủ và các bộ ngành cũng đang triển khai tích cực để thúc đẩy nhu cầu đầu tư, cầu tiêu dùng, cầu tín dụng.

Về lãi suất, Phó Thống đốc cho rằng, điều hành lãi suất đòi hỏi phải hợp lý, vì có liên quan tới chính sách tỉ giá. Có giảm lãi suất nữa hay không khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp hiện nay? Ông Tú đưa ra quan điểm: Hạ lãi suất nhưng phải phù hợp bối cảnh kinh tế vĩ mô và áp lực lạm phát.

Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất, dù tăng hay giảm, mà duy trì lãi suất điều hành hiện nay và khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động giảm lãi suất cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, dựa trên lợi thế cạnh tranh, công nghệ, tiết giảm chi phí...

Về chính sách giãn, hoãn các khoản nợ, Phó Thống đốc cho biết, sẽ kéo dài Thông tư 02 tới hết năm nay thay vì chỉ tới 30/6. Đồng thời, các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, tạo ra các nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp. Đây là một yếu tố cấp bách. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, giải quyết cầu tiêu dùng, tồn kho ngay trong thị trường nội địa. Đồng thời, đẩy mạnh đẩy mạnh kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, mà TPHCM là nơi đi đầu.

Về hỗ trợ cho xuất khẩu, Phó Thống đốc khẳng định, thời gian qua, tỉ giá có dao động, đồng nội tệ mất giá, có thời điểm lên đến 5,9%, khiến chi phí nhập khẩu của các doanh nghiệp tăng lên trong khi các doanh nghiệp chưa chắc hưởng lợi cũng là thế khó cho Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ dùng dự trữ ngoại hối, đây là biện pháp mạnh. "Trong các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp xuất khẩu luôn được ưu tiên", ông Tú khẳng định.

H.Y

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/pho-thong-doc-se-duy-tri-lai-suat-dieu-hanh-nhu-muc-hien-tai-20240425182843395.htm