Phố gần... Phố xa và không gian tâm hồn của Quang Đặng

Phố gần… Phố xa là quyển sách thứ hai của tác giả Quang Đặng. Với những người đã đọc tập Muôn nẻo đường về (xuất bản năm 2018), sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện mới thú vị tiếp theo với đề tài đa dạng hơn, trong giọng kể giản dị quen thuộc của chị.

Với những người chưa đọc Quang Đặng, sẽ thấy trong tác phẩm này những hình ảnh gần gũi của phố phường, của cuộc sống mà đôi khi vì bận rộn, vì vô tình ta đã lướt qua. Khác với Muôn nẻo đường về là cuộc hội ngộ của những kỷ niệm, thuộc về thời gian quá khứ, Phố gần… Phố xa là sự mở rộng của không gian tự nhiên và không gian cảm xúc.

Tập sách được chia hai phần gồm Phố gần… Phố xa Bờ bến lạ. Phần đầu có thể xem là ký hoặc tùy bút, phần hai có dạng thức truyện ngắn. Đọc xong, ai cũng thấy ít nhiều có mình trong đó, từng gặp một góc phố quen quen, quán cà phê, hay trên một chuyến xe, mình đã từng có cảm nghĩ như vậy. Mỗi chuyện như một mảnh ghép, hình dáng, màu sắc khác nhau, không trùng khớp hay liền mạch, chỉ như ngẫu nhiên đứng chung với nhau hay chợt nhớ, chợt quên vậy thôi.

Phố gần… Phố xa kể nhiều câu chuyện về những chuyến đi, nhưng tác phẩm không thuộc thể du ký vì người viết không đặt mục tiêu ghi chép, mô tả đầy đủ địa phương/ vùng/ miền đó có gì, lộ trình, đặc điểm văn hóa… Quang Đặng viết về Tuy Hòa, về Huế, về Sài Gòn, Hà Nội, về những bản làng, sông suối, núi non Việt Bắc xa xôi. Chị viết về những chuyến bay, những chuyến xe đò và cảm giác bồi hồi khi khám phá những địa điểm mới, gặp lại những nơi chốn cũ, đối chiếu với những kỷ niệm đã có.

Với Hội An, Quang Đặng không ca ngợi phố cổ, chùa cầu với tấm bảng hiệu “Lai Viễn Kiều” luôn tấp nập người đến thăm. Không gian buổi sáng tinh mơ, những con đường nhỏ vắng vẻ và dòng sông Hoài giản dị, mơ màng ở phố cổ đã làm rung động trái tim người viết. Tác giả yêu Hội An, Hà Nội bởi dáng vẻ bình yên, khuất lấp sau những ồn ào, hào nhoáng, đông đúc thường thấy của những thành phố nhiều khách du lịch. Viết về Huế, Quang Đặng kể lại câu chuyện xúc động của một người anh từng trọ học tại đây.

Cuộc hội ngộ bất ngờ sau 46 năm như một giấc mơ, khiến người ta tin vào phép màu của vòng tròn nhân quả. Chi tiết này đã tô đậm thêm cảm tình với sông Hương, núi Ngự và những con đường, những ngôi trường màu son nổi tiếng của Huế. Trong chuyện Gặp ở D’Ran, tác giả viết về nhà thờ Ka Đơn ở Lâm Đồng: “Đứng tựa lưng vào một gốc thông, tôi thầm nghĩ: không hàng rào, không cổng sắt, không gian mở tiếp nối với thiên nhiên.

Vật liệu thì tối giản, chủ yếu bằng gỗ thông, ngói. Mỗi chi tiết như bức tường, hành lang, mái hiên, ghế ngồi đều mang một ý nghĩa riêng. Người ngoan đạo Chu Ru hẳn sẽ rất hạnh phúc khi có được một thánh đường riêng cho mình”.

Quang Đặng là người biết “nắm tay” với mỗi vùng đất, với cỏ cây, hoa lá, với phố gần, phố xa, với những con người dù lạ dù quen, bằng sự chân thành có sẵn. Tình yêu của chị không có điều kiện, không đòi hỏi thời gian gắn bó. Trên hành trình đi và cảm nhận, nhiều thứ sẽ lướt qua mau, và một số thứ sẽ được lưu giữ lại không cần lý do, không cần phân biệt, sắp xếp. Đó là những khoảnh khắc tâm hồn chị bắt nhịp được với tâm hồn tự nhiên, tâm hồn bạn bè tri giao.

Những câu chuyện trong Phố gần… Phố xa nhắc nhớ nhiều kỷ niệm, như Ciné một thời nhắc chuyện thời thơ ấu ở Tuy Hòa đi coi phim ở rạp, lớn lên vô Sài Gòn đi coi phim cùng bạn. Tên những bộ phim, tên diễn viên, cảm giác vui, buồn cùng mỗi bộ phim… nối tiếp nhau hiện lên sống động trong ký ức. Cũng như vậy, từ kỷ niệm về món chè trái vải ở Tuy Hòa thời xa lắc xa lơ, trong Mùa vải chín, tác giả kể lại chuyện người mẹ thèm ăn trái vải từ sau cuộc đoàn viên với người em trai tập kết về thăm.

Câu chuyện giản dị mà xúc động: “Một ngày mùa hè, nhà tôi bỗng dưng tràn ngập trái vải, loại trái vải tươi ngon. Nhưng không phải là quà từ phương Bắc của cậu tôi, mà là của người quen, bà con mang đến cúng. Má tôi mất ngày 5 tháng 5 AL, năm 19… Hình ảnh những chùm vải tươi ngon chất đầy bàn thờ luôn là nỗi ám ảnh khôn khuây. Nghịch lý của đời người là khi cần không có và có khi không cần”.

Nếu muốn tìm một điểm nhất quán và xuyên suốt Phố gần… Phố xa thì đó là âm nhạc. Những câu hát, những bản nhạc xuất hiện hầu hết trong các bài, các truyện vừa ngẫu nhiên, vừa tất yếu. Ngẫu nhiên vì nó bất chợt hiện lên trong dòng liên tưởng, được kết nối tự nhiên với mạch cảm xúc... Trong Phố gần… Phố xa, nhạc đã thành nguyên liệu chính, có khả năng lấp đầy không gian nghệ thuật của Quang Đặng. Không chỉ đem lại cảm xúc, âm nhạc còn là chất xúc tác để tâm hồn chị được thanh lọc, rộng mở hơn và được kết nối với bạn bè tri âm. Người đọc dễ nhận ra tác giả là người có trái tim nhân hậu, lãng mạn vì chị biết bỏ bớt những ưu phiền nặng nề, khi nhìn lại cuộc sống, để nó đẹp và bình yên hơn.

Hai năm cho một cuốn sách, dù với người viết chuyên nghiệp cũng là nhiều. Với Quang Đặng, viết cũng là một trải nghiệm của cuộc sống. Sau Phố gần… Phố xa, có thể chị đi còn đi xa, còn viết tiếp hay dừng, điều đó không quan trọng bằng việc chị đã có thêm tình yêu chữ nghĩa và bạn bè tri giao qua tiếp xúc với tác phẩm. Trong Phố gần… Phố xa có nhắc nhiều địa danh xa và gần tùy theo mỗi người, có nhắc chuyện nọ chuyện kia, quen hay không quen cũng tùy vào trải nghiệm của từng người, nhưng kết nối lại - đó chính là không gian tâm hồn của Quang Đặng.

Nữ tác giả Quang Đặng, quê TP Tuy Hòa, hiện sống ở TP Hồ Chí Minh.

Phố gần… Phố xa được Quang Đặng giới thiệu 28 tác phẩm chia làm 2 phần, gồm: Phố gần… Phố xa Bờ bến lạ. Sách dày 250 trang, khổ 13,5x20,5cm; trình bày mỹ thuật, trang trọng, do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

NGUYỄN THỊ THU TRANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/248860/pho-gan-pho-xa-va-khong-gian-tam-hon-cua-quang-dang.html