Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương: Quốc hội mong muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của giáo viên

Ở cùng một thôn, xóm nhưng theo Nghị định 116, học sinh theo học THPT mới được hưởng chế độ chính sách, còn học giáo dục thường xuyên thì không đang gây ra nhiều bất cập, hạn chế.

Đây là một trong những ý kiến phản ánh của cử tri tại cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về lĩnh vực giáo dục và đào tạo của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi sau Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng nay, 30.11.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự cuộc tiếp xúc và nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri là cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi.

Cử tri Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ba Tơ phản ánh thực tế triển khai Nghị định 116 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đang gặp phải nhiều bất cập, cần có sự điều chỉnh, thay đổi.

Theo đó, cùng một độ tuổi, cùng chương trình học, nhà sát vách nhau trong vùng đặc biệt khó khăn, nhưng học sinh ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên lại không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này.

“Nghị định 116 chỉ quy định hỗ trợ chi phí đối với học sinh tiểu học, THCS và THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo mà bỏ quên học sinh ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên. Do không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này nên bao năm qua, học sinh giáo dục thường xuyên phải chịu thiệt thòi hơn. Chúng tôi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh đối với Nghị định này”, cử tri Nguyễn Thị Hồng Lê nói.

Cử tri Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THPT số 1 Tư Nghĩa nêu thực tế, hiện nay, giáo viên chịu rất nhiều sức ép từ mạng xã hội. Trong đó, có những thông tin chưa rõ ràng, chưa được kiểm chứng và sự việc chưa được cơ quan chức năng điều tra rõ ràng, nhưng một số cá nhân đã đưa lên mạng xã hội gây ra làn sóng phản ứng của phụ huynh, học sinh.

Sức ép từ những thông tin chưa kiểm chứng đó rất lớn, khiến các thầy cô bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều, khó có thể yên tâm triển khai các phương pháp giảng dạy mới. Thẳng thắn nêu vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Nga cho rằng, "nhiều khi giáo viên muốn sáng tạo, đưa ra những cách giảng dạy mới nhưng lại lo vì sợ dư luận chĩa mũi dùi về phía mình. Chúng tôi mong muốn có một cơ chế nào để bảo vệ đội ngũ, bảo vệ cho giáo viên trước các sức ép rất lớn đến từ mạng xã hội”.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều thầy cô cũng phản ánh, kiến nghị về tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, chính sách tiền lương cho giáo viên còn bất cập... Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, trong đó có ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo đại diện ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi, trong khi ngành giáo dục đang thiếu giáo viên, nay lại phải tinh giản, thì rất khó giải quyết được vấn đề. Do đó, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị nên nghiên cứu không tinh giản biên chế đối với giáo viên.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri

Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị và phản ánh từ thực tiễn của cử tri ngành giáo dục, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, các ý kiến, kiến nghị đều rất hay và nhiều thông tin thực tế phục vụ cho hoạt động giám sát và xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong 10 năm qua, Quốc hội đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhằm thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW thành các quy định của pháp luật, đồng thời giám sát có hiệu quả việc tổ chức thực hiện các quy định này.

Cụ thể, ngay trong năm 2023 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chọn chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” để tiến hành giám sátvà đã có Báo cáo số 638/BC-ĐGS /BC-ĐGS, ngày 4.10.2023 báo cáo Quốc hội; và ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 về chuyên đề giám sát này.

Trong đó, cùng với việc khẳng định những kết quả đạt được, UBTVQH cũng nêu rõ, việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Ví dụ, Chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành chậm 30 tháng; bộ máy chỉ đạo, tổ chức triển khai xây dựng, thẩm định chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới chưa hợp lý về cơ cấu, thành phần, số lượng, phải thay đổi nhiều lần. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông, thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập...

Trao đổi thêm về vấn đề dạy thêm và học thêm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong câu chuyện này cần có cái nhìn đa chiều, khách quan. Bởi dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực sự, và "cái gì có cầu thì ắt sẽ có cung", do đó, quan trọng là quản lý nhà nước đối với vấn đề cung - cầu đó như thế nào cho hợp lý?

“Đối với vấn đề sửa đổi Thông tư 17, đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đang trong quá trình xem xét, nhưng phải khẳng định rằng các quy định của Thông tư 17 còn nguyên giá trị, như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm; các trường hợp không được dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục. "Các quy định của Thông tư 17 không sai, nhưng cần thiết kế lại cho rõ hơn, cụ thể hơn; miễn là đừng có giấy phép con trong Thông tư”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tặng quà lưu niệm cho lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi

Tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng thông tin đến cử tri những vấn đề về: chế độ, chính sách đối với giáo viên; độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non; hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục và đào tạo...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tiếp thu đầy đủ và sẽ có văn bản chuyển toàn bộ ý kiến, kiến nghị của cử tri là cán bộ, giáo viên của Quảng Ngãi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết; đồng thời chuyển đến Ban Dân nguyện trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc xử lý theo quy định.

Tấn Tài

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-thuong-tuong-tran-quang-phuong-tiep-xuc-cu-tri-chuyen-de-voi-can-bo-giao-vien-tai-quang-ngai-i352261/