PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH DỰ KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 14 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TP.HÀ NỘI

Sáng 05/12, tại Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, đã khai mạc Kỳ họp thứ 14. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đến dự và phát biểu.

Tham gia phiên khai mạc, về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; cùng các thành viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự và phát biểu tại Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua theo dõi tình hình thực tế và nghe báo cáo của thành phố Hà Nội thấy được quyết tâm chính trị, nỗ lực phấn đấu của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Báo cáo của Thành phố cho thấy, năm 2023, phát triển kinh tế Thành phố đạt được kết quả khá, tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 6,08%, cả năm ước tăng 6,27%, cao hơn nhiều so mức bình quân của cả nước; thu ngân sách dự kiến vượt dự toán và tăng 20% so với năm 2022; các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch phục hồi và phát triển mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 62% so với năm 2022; công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được đẩy mạnh, nhất là khởi công và triển khai dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội. Các công trình, dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích văn hóa được quan tâm đầu tư. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được chăm lo, thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường và mở rộng, góp phần tích cực vào thành quả chung của cả nước, khẳng định vị thế, vai trò rất quan trọng của Thủ đô.

Nhiều đổi mới, thực chất, hiệu quả của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận hoạt động của Hội đồng nhân dân và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay có nhiều đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào thực chất, hiệu lực, hiệu quả, khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành phố đã chủ động phối hợp, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội và Nghị định số 68/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân Thành phố tối đa là 19 người, tạo điều kiện nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Đảng đoàn Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 15-ĐA/TU ngày 12/5/2022 về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”, trong đó nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI

Hội đồng nhân dân Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về Hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ Đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân, tạo sự đồng bộ, thống nhất, chuẩn hóa, lan tỏa sự đổi mới trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử từ Quốc hội tới Hội đồng nhân dân các cấp.

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố chủ động ký kết Quy chế phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố để tăng cường công tác phối hợp. Xây dựng và ban hành Kế hoạch định hướng xây dựng Nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 và hằng năm theo đúng tinh thần Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa.

Hội đồng nhân dân Thành phố đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, cụ thể hóa thành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, ban hành cơ chế, chính sách, các biện pháp thiết thực, khả thi, phù hợp với thực tiễn của Thành phố và đã được thực hiện có hiệu quả, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các đại biểu dự họp

Các đại biểu dự họp

Lan tỏa những đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã lựa chọn đúng những vấn đề quan trọng, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm để tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình như: dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị… Hội đồng nhân dân Thành phố cũng phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, các cơ quan của Quốc hội triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát chuyên đề theo chương trình, kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đóng góp thiết thực vào kết quả giám sát và việc đổi mới công tác giám sát của Quốc hội.

Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố làm tốt nhiệm vụ người đại biểu Nhân dân, đã luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp xúc cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri trong xây dựng, hoạch định chính sách, trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, sự chủ động, bài bản, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức thực hiện của Đảng bộ, chính quyền Thành phố, của các cấp, các ngành, của cử tri và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô và những kết quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác, trong đó có sự đóng góp tích cực của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố trong thời gian vừa qua.

Để Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội luôn là “điểm sáng”,“hình mẫu”, “tiêu biểu đi đầutrong hoạt động của các cơ quan dân cử trong cả nước

Nêu rõ, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, Thành phố và cả nước đã qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội với nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng cũng còn rất nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định, đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành Thành phố, các quận, huyện, thị xã phải tập trung, quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án với những nội dung thiết thực, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, có lộ trình phấn đấu thực hiện để tạo sự chuyển biến rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phải tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Hội đồng nhân dân Thành phố đã nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần tập trung như sau:

Một là, Hội đồng nhân dân Thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố để cụ thể hóa, thể chế hóa thành Chương trình, Kế hoạch, Đề án, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn để thực hiện có hiệu quả.

Các đại biểu dự họp

Các đại biểu dự họp

Hai là, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tại kỳ họp này, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố cần tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình trong thời gian tới, để từ đó có các giải pháp thiết thực, kịp thời, khả thi khi thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Thành phố và các nghị quyết trên các lĩnh vực tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Ba là, Tiếp tục tập trung tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc đã được chỉ rõ, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển Thủ đô. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của Thành phố như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị (Nhổn - Ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); Đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030;…

Tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa. Đẩy nhanh phát triển hạ tầng, kinh tế xã hội khu vực nông thôn, vùng còn nhiều khó khăn, với mục tiêu phát triển Thủ đô đồng đều, toàn diện và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính công chức, công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế kịp thời cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu…

Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân Thành phố bầu. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, không hình thức và đánh giá đúng về uy tín, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Bốn là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết số 97/2019/QH14 về “thí điểm mô hình chính quyền đô thị”; Nghị quyết số 115/2020/QH14 về “thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”; Nghị quyết số 160/2021/QH14 về “thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội”. Vừa qua, Chính phủ đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội. Qua tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, có thể thấy việc thực hiện mô hình chính quyền các cấp như hiện nay của thành phố Hà Nội được đánh giá là hiệu quả và phù hợp thực tiễn. Vì vậy, triển khai Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để tổng kết việc thực hiện thí điểm để cụ thể hóa trong dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng, trình Quốc hội sửa đổi Luật Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng. Với tinh thần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đủ tầm, đủ mạnh, vừa tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước, vừa thể hiện các quy định về phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cao hơn, nặng nề hơn, với tầm nhìn sâu rộng hơn, xa hơn cho Hà Nội và các cơ quan trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân, đưa Thủ đô của đất nước ta phát triển lên một tầm cao mới, thúc đẩy sự phát triển của cả nước với tinh thần Hà Nội của cả nước, cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước.

Thời gian tới, Thành phố cần tập trung quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Trung ương dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thủ đô sửa đổi, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 năm 2024. Các cơ quan cần chuẩn bị ngay các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện luật và các quy hoạch để Luật Thủ đô đồng bộ với các chính sách lớn, sớm đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng ngay trong nhiệm kỳ.

Năm là, tiếp tục tinh thần đổi mới trong hoạt động để Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội luôn là “điểm sáng”, “hình mẫu”, “tiêu biểu đi đầutrong hoạt động của các cơ quan dân cử trong cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố. Quan tâm, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tập trung giám sát những vấn đề quan trọng mà nhân dân đang quan tâm, chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cơ quan thông tin báo chí trong đôn đốc việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc cử tri để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần nâng cao vai trò, vị trí và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân. Cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết chất vấn để chỉ rõ lộ trình, tiến độ, trách nhiệm thực hiện của người được chất vấn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện vấn đề chất vấn, bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tin tưởng phát huy những kết quả tốt đẹp đã đạt được, với khí thế mới, quyết tâm mới, nỗ lực mới của Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, nắm chắc cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, năm 2024 và cả nhiệm kỳ, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng hơn nữa trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 14 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương và các đại biểu dự họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương và các đại biểu dự họp

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu

Đại diện lãnh đạo các cơ quan của thành phố Hà Nội trình bày các báo cáo.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan của thành phố Hà Nội trình bày các báo cáo.

Bảo Yến - Thùy Linh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82875