Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 22.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì Phiên họp thứ 9 của Hội đồng.

Tham dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy; Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng; đại diện lãnh đạo một số cơ quan liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Phiên họp thứ 9 của Hội đồng được tổ chức để triển khai 2 nội dung quan trọng, là góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên và cho ý kiến về danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2025.

Liên quan tới nội dung góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây là đạo luật mới, nhằm bảo vệ trẻ em, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về trẻ em trên phương diện hành chính, tư pháp, hình sự. Khi đưa dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó, cần xác định rõ nội hàm tư pháp người chưa thành niên. Cho biết dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy tới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học góp ý trực tiếp vào các vấn đề trọng tâm và nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, phục vụ thiết thực cho quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu, chất lượng đặt ra.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 156 điều, được bố cục thành 5 phần, 10 chương. Cụ thể, phần thứ nhất: những quy định chung; phần thứ hai: quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên; phần thứ ba: quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; phần thứ tư: quy định về thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; phần thứ năm: các điều khoản thi hành.

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng khoa học cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên và cho rằng đây là một đạo luật tiến bộ, tuân thủ nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, ngay cả khi họ có hành vi vi phạm pháp luật hình sự; góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.

Các đại biểu cũng quan tâm góp ý về tên gọi dự thảo Luật; hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên; các nguyên tắc cơ bản trong xử lý vụ án liên quan đến người chưa thành niên (là người phạm tội và người bị hại); thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên; những hạn chế, bất cập của chế định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật Hình sự hiện hành và hướng hoàn thiện quy định về hình phạt trong dự thảo Luật; trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên. Một số ý kiến đề nghị, nên tách các quy định chung về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên thành một chương riêng, quy định chung cho cả người bị buộc tội, bị hại, làm chứng là người chưa thành niên.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã nghe Báo cáo về danh mục nhiệm vụ khoa học năm 2025 và cho ý kiến về nội dung này.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên là một đạo luật chuyên biệt, việc ban hành Luật là sự tiến bộ của hệ thống pháp luật và nền tư pháp.

Ghi nhận ý kiến rất trách nhiệm, có chất lượng, nhìn nhận sâu sắc, khoa học, cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các quan điểm, tư tưởng chung, phạm vi đối tượng áp dụng của dự thảo Luật về cơ bản có sự thống nhất cao. Tuy nhiên, cần tiếp tục làm rõ hơn về tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đánh giá tác động đầy đủ để xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng và khả thi. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu tổng hợp kỹ lưỡng các ý kiến tại phiên họp, hệ thống hóa một cách khoa học thành các luận điểm, tư tưởng cần tiếp tục hoàn thiện trong dự thảo Luật để có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-chu-tri-phien-hop-hoi-dong-khoa-hoc-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-i363784/