Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu

Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế tổ chức phiên giải trình về vấn đề này; tin tưởng, phiên giải trình sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự ổn định của thị trường xăng dầu, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân.

Sáng 28.2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế tổ chức Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Tham dự phiên giải trình có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số hiệp hội, các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Ảnh: Hồ Long

Tìm giải pháp căn cơ

Phát biểu chỉ đạo tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh Ủy ban Kinh tế đã tích cực, chủ động thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng cường hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và lựa chọn chủ đề nóng, được cử tri quan tâm để tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

"Việc lựa chọn chủ đề này là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, thành công của phiên giải trình sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự ổn định của thị trường xăng dầu, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhấn mạnh xăng dầu là hàng hóa chiến lược liên quan đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia, tại nhiều nước trên thế giới, thiếu hụt nguồn cung, khủng hoảng giá xăng dầu là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bất ổn chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiều vấn đề của thị trường xăng dầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, chỉ đạo trong phiên chất vấn vào tháng 3.2022 và ban hành Nghị quyết số 499. Tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tình hình thị trường xăng dầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương, chưa chủ động được nguồn cung, hàng dự trữ lưu thông có thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm để bảo đảm dự trữ bắt buộc, biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng giảm không đồng bộ. Theo số liệu thống kê, nhiều trường hợp khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước đã giảm và ngược lại. Nhiều ý kiến cho rằng các quy định về chi phí, định mức lợi lợi nhuận, định mức bất cập, không đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trong xác định giá bán xăng dầu, việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá chưa đạt mục tiêu bình ổn giá, việc trích lập sử dụng quỹ chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch. Nhiều ý kiến cho rằng cần đánh giá, điều chỉnh các loại thuế đối với xăng dầu; trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành; trách nhiệm của các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, nhất là trong tình hình buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp. Gần đây, xăng dầu luôn là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần một trăm triệu người dân Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, để tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân từ cơ chế chính sách, việc tổ chức thực hiện, qua đó đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện để khắc phục, đặc biệt là trong tình hình hiện nay việc kiểm soát lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân và cũng thể hiện sự quan tâm của đông đảo cử tri.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thẳng thắn trao đổi, xác định rõ vấn đề

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng các Bộ Công thương, Tài chính, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và các đại biểu tham dự thẳng thắn trao đổi, xác định rõ vấn đề vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để thay đổi thực trạng hiện nay, ổn định thị trường xăng dầu, đóng góp quan trọng; ổn định và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, đời sống xã hội của nhân dân. Trong đó, tập trung đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày báo cáo. Ảnh: Hồ Long

Đánh giá tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất của hệ thống chính sách pháp luật, trong đó không chỉ các vấn đề ở luật mà còn ở các văn hướng dẫn gồm nghị định, thông tư; thẳng thắn nêu ra các hạn chế, bất cập, lưu ý các quy định về thuế, các quy định liên quan đến đảm bảo nguồn cung dự trữ xăng dầu, quy định về tính giá cơ sở giá bán, quy định về bình ổn giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, quy định về chế tài và xử lý vi phạm ban hành.

Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về thực hiện các quy định của pháp luật điều hành thị trường xăng dầu, trong đó tập trung vào việc ban hành, sửa đổi các Nghị định, Thông tư việc thực hiện trách nhiệm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, doanh nghiệp, các cửa hàng bán lẻ; việc phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; việc đáp ứng nguồn cung và thực hiện dự trữ, việc điều hành giá, việc sử dụng quỹ bình ổn giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu nêu rõ các đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường xăng dầu, các biện pháp để thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 499 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống. Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia công khai, minh bạch; tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông, điều hành giá bán, bám sát diễn biến giá thế giới. Rà soát, hoàn thiện quy định về thuế, các yếu tố cấu thành ra cơ sở, định mức hao hụt chi phí kinh doanh, định mức lợi nhuận, định mức tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Kết thúc phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế ban hành kết luận và đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các Bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương để thực hiện các trách nhiệm được pháp luật quy định. Sau khi Ủy ban Kinh tế ban hành kết luận của phiên giải trình, yêu cầu các Bộ theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có kế hoạch thực hiện các giải pháp, kiến nghị về các nội dung giải trình trong thời gian tới. Ủy ban Kinh tế căn cứ vào các quy định của pháp luật để tiếp tục theo dõi, giám sát các cơ quan, cá nhân có liên quan thực hiện kết luận của Ủy ban, trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp; các chuỗi cung ứng xăng dầu đứt gãy, giá cả tăng cao… Tháng 3.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương, sau đó ban hành Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28.3.2022 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, giao Chính phủ và Bộ Công thương cùng các bộ ngành tăng cường hoạt động để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng, dầu trong mọi tình huống; giao Ủy ban Kinh tế giám sát thực hiện. Tuy nhiên, diễn biến thị trường xăng dầu sau đó vẫn còn phức tạp.

“Sự biến động của thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan. Phiên giải trình hôm nay sẽ là dịp để các đại biểu Quốc hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước để làm rõ hơn kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan và khách quan, giải pháp; trên cơ sở đó, Bộ Công thương sẽ có căn cứ để sửa đổi Nghị định số 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, tạo sự ổn định của thị trường xăng dầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Tại Phiên giải trình, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về cơ sở, căn cứ điều hành xăng dầu; cơ sở, căn cứ xác định mức trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; kết quả thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành xăng dầu… Đồng thời, đặt câu hỏi, yêu cầu các Bộ trưởng giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-du-phien-giai-trinh-ve-tinh-hinh-thi-truong-xang-dau--i317402/