PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43

Sáng 04/4, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 tổ chức phiên họp thứ ba nhằm cho ý kiến lần đầu với dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp

Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát, đại diện Kiểm toán Nhà nước cùng một số cơ quan hữu quan.

Trình bày dự thảo báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, đối với việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, kết quả đạt được sau hơn 2 năm thực hiện cho thấy, việc ban hành Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 43 có tính chiến lược trong việc duy trì phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, mang tính nhân văn, động viên tinh thần cho người dân, doanh nghiệp, bổ sung nguồn lực lớn từ NSNN và các nguồn huy động khác để vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế, giúp kinh tế có những bước phục hồi và phát triển tích cực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, còn một số tồn tại, hạn chế như: một số chính sách chưa đảm bảo bám sát quan điểm “nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh”; tại một số địa phương, việc thực hiện chính sách chậm do hướng dẫn thiếu cụ thể, hoặc một số chính sách phải hướng dẫn điều chỉnh bổ sung dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn được triển khai trong bối cảnh đặc biệt chưa từng có tiền lệ, trong khi số lượng hồ sơ nhiều dẫn đến việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để kiểm tra, xác minh mà chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp, có thể dễ phát sinh trường hợp trùng hưởng chính sách.

Cụ thể, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết, về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, đảm bảo ổn định thị trường cung ứng lao động, kết quả thực hiện đã có những mặt tích cực, nhưng vẫn còn có những khó khăn, dự toán thực hiện chính sách chưa chính xác, cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước với thị trường lao động chưa hoàn thiện.

Các đại biểu tại phiên họp

Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết chính sách này thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn do công tác đánh giá, dự báo chưa sát thực tiễn. Cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa từ khâu xây dựng, hoạch định chính sách để đảm bảo thực hiện được hiệu quả trong thực tiễn.

Đối với các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua trong quá trình thực hiện đã phát huy hiệu quả, áp dụng cơ chế chỉ định thầu, rút ngắn trình tự, thủ tục, giảm thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu. Việc không phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện các gói thầu, đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng ổn định, tránh tình trạng đầu cơ, nâng giá trong quá trình thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc như: phối hợp chặt chẽ với các địa phương để bảo đảm đủ nguồn cung, công suất vật liệu đáp ứng tiến độ ti công các dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh các thủ tục liên quan, hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức thực hiện di dời các đường điện cao thế tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án…

Tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội. Các đại biểu đánh giá cao Tổ giúp việc đã nỗ lực tổng hợp, rà soát từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết dầy dặn, đưa ra được nhiều vấn đề cốt lõi về chuyên đề giám sát của Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết để đảm bảo bao quát được những nội dung quan trọng, nêu bật được bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho rằng những đánh giá trong báo cáo giám sát cần bám sát mục tiêu, quan điểm, quy định trong Nghị quyết 43. Cụ thể, Nghị quyết 43 đã nêu rõ mục tiêu là: Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân. Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị báo cáo giám sát cần tập trung làm rõ hơn nữa ý nghĩa của Nghị quyết này trong công tác ngăn chặn dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị bổ sung thêm nội dung nêu rõ tinh thần quyết tâm và sự ứng phó linh hoạt của Quốc hội trong việc ban hành chính sách và đưa chính sách vào cuộc sống giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường chưa từng có tiền lệ.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho rằng cần đánh giá kỹ cách thức triển khai công tác giám sát của Đoàn giám sát, đúc rút kinh nghiệm từ việc chia đoàn giám sát, chia sẻ thông tin, đảm bảo thời gian và chất lượng giám sát trong bối cảnh khối lượng công việc của Quốc hội đang rất nặng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực của Kiểm toán Nhà nước trong quá trình giám sát, qua đó đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, cụ thể cho quá trình giám sát.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan phát biểu

Các ý kiến cũng đề nghị, Đoàn giám sát gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị đề nghị Chính phủ, một số bộ, ngành gửi báo cáo bổ sung để cung cấp số liệu chính xác nhất cho Đoàn giám sát; làm rõ hơn các bài học kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung số liệu, đánh giá về các sai phạm trong khai thác vật liệu để thực hiện một số dự án; bổ sung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư…

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tổ giúp việc trong việc chủ trì tham mưu các hoạt động của Đoàn giám sát. Căn cứ trên các ý kiến tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc hoàn thành một bước dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết; các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến bằng văn bản nêu cụ thể các góp ý với các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường phối hợp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung thời gian, công sức để hoàn thiện các tài liệu liên quan, phục vụ phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với công tác truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục làm tốt công tác này, Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội tiếp tục tổ chức các chuyên đề, tuyến bài thông tin tuyên truyền về chuyên đề giám sát; Truyền hình Quốc hội hoàn thiện xây dựng kịch bản, phim tài liệu về kết quả giám sát.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu

Đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình, nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội.

Các đại biểu đánh giá cao Tổ giúp việc đã nỗ lực tổng hợp, rà soát từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết dầy dặn, đưa ra được nhiều vấn đề cốt lõi về chuyên đề giám sát của Quốc hội.

Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết để đảm bảo bao quát được những nội dung quan trọng, nêu bật được bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện Nghị quyết 43 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia.

Các ý kiến cũng đề nghị, Đoàn giám sát gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị đề nghị Chính phủ, một số bộ, ngành gửi báo cáo bổ sung để cung cấp số liệu chính xác nhất cho Đoàn giám sát

Các đại biểu đề nghị làm rõ hơn các bài học kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung số liệu, đánh giá về các sai phạm trong khai thác vật liệu để thực hiện một số dự án; bổ sung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư…

Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam Lê Quang Minh phát biểu về công tác truyền thông cho chuyên đề giám sát của Quốc hội

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc hoàn thành một bước dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết; các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến bằng văn bản nêu cụ thể các góp ý với các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát./.

Minh Hùng - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/pho-chu-tich/pages/pct-nguyen-duc-hai.aspx?itemid=85950