PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HÓA, GIÁO DỤC MAI THỊ HOA: 2023 - MỘT NĂM CHỨNG KIẾN NHIỀU THÀNH CÔNG CỦA NGÀNH GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TRONG HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 29-NQ/TW

Thời gian qua, mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non ở nước ta tiếp tục được mở rộng; Chương trình giáo dục phổ thông đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận; tự chủ đại học ngày càng phát huy hiệu quả, dần đi vào thực chất..., Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa khẳng định, năm 2023 là một năm chứng kiến nhiều thành công của ngành giáo dục và đào tạo trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa

Phóng viên: Tiếp nối thành công của các hội thảo về giáo dục hàng năm, trong năm qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”. Xin bà chia sẻ thêm về kết quả của Hội thảo này của Ủy ban trong năm 2023 vừa qua?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa: Tôi cho rằng kết quả của Hội thảo “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học” trước hết chính là đã tạo được một diễn đàn thảo luận về thể chế, chính sách cho giáo dục đại học với sự đánh giá, soi chiếu từ nhiều phía, nhiều chiều: Từ đại diện các cơ sở giáo dục với vai trò là bên cung cấp sản phẩm đào tạo nguồn nhân lực; từ các bộ, ngành trung ương với vai trò là cơ quan tham mưu, hoạch định và thực thi chính sách; từ các tập đoàn kinh tế với vai trò là nơi tiếp nhận, sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo trình độ cao. Đây là dịp để các bên liên quan trao đổi một cách thẳng thắn về chất lượng đào tạo; về những vướng mắc, rào cản liên quan tới thể chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục đại học.

Hội thảo đã làm sáng tỏ hơn căn cứ lý luận và thực tiễn, tạo ra nhận thức chung, đạt được sự đồng thuận cao trong quan điểm tiếp cận về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Mặc dù tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng các ý kiến cơ bản thống nhất ở cách đánh giá tổng thể hệ thống giáo dục đại học, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học theo lĩnh vực, ngành đào tạo, các chương trình đào tạo; mức độ đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đối với các sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo, nghiên cứu. Đồng thời, việc đánh giá chất lượng cần đặt trong mối quan hệ tương quan, tác động qua lại giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài của các cơ sở giáo dục đại học cũng như của cả hệ thống giáo dục đại học, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm thực tiễn, Hội thảo hướng tới đề xuất, khuyến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học, trong đó tập trung vào khuyến nghị tăng đầu tư cho giáo dục đại học tương đương với các nước phát triển trên thế giới, chẳng hạn như trước mắt phấn đấu mức 0,64% GDP (như Thái Lan), tiến tới mức 1% vào năm 2030 (như Singapor hiện nay); chính sách khuyến khích xã hội hóa, cơ chế hợp tác công tư trong giáo dục đại học; chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ phát triển đội ngũ giảng viên, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Phóng viên: Qua theo dõi lĩnh vực giáo dục cũng như qua giám sát, bà có những ấn tượng đặc biệt nào đối với kết quả năm 2023 trong lĩnh vực này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa: Trước hết, phải khẳng định năm 2023 là năm chứng kiến nhiều thành công của ngành giáo dục và đào tạo trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục được mở rộng, nhất là hệ thống cơ sở giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng tốt hơn. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai với tinh thần quyết tâm, bứt tốc, tạo chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030 được triển khai đồng bộ. Tự chủ đại học ngày càng phát huy hiệu quả, dần đi vào thực chất.

Năm 2023 cũng là năm gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc của các đội tuyển tham dự Olympic quốc tế, khu vực với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và nhiều Bằng khen cùng một số dự án đạt giải trong Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 - ISEF 2023. Việt Nam tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Nhiều trường đại học Việt Nam tiếp tục duy trì và giữ vị trí tốt trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa khẳng định, năm 2023 là một năm chứng kiến nhiều thành công của ngành giáo dục và đào tạo trong hành trình đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW

Về công tác chỉ đạo, điều hành, ấn tượng rõ nhất chính là việc ưu tiên hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển. Đó là thành công của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc tham mưu cho Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là thành công của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc lần đầu tiên tổ chức đồng loạt Hội nghị tại 6 vùng kinh tế xã hội để triển khai nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo của từng vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh mỗi vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Có thể coi đây là một cuộc rà soát tổng thể về giáo dục ở cả 6 vùng để đánh giá toàn diện, đồng bộ và cụ thể về những thế mạnh, điểm hạn chế, những thuận lợi, khó khăn riêng của mỗi vùng để có giải pháp phù hợp.

Để khắc phục tình trạng “nóng” do thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc, ngành Giáo dục đã ưu tiên rà soát các quy định đối với đội ngũ nhà giáo, cải thiện môi trường làm việc, đổi mới quản trị của các trường học, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên có môi trường làm việc tốt nhất; kiên trì kiến nghị chính sách tăng lương cho giáo viên, tăng phụ cấp nghề cho giáo viên mầm non. Đặc biệt, phải kể tới hiệu ứng tích cực từ hai sự kiện quan trọng: Đó là cuộc đối thoại dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục 63 tỉnh thành trước thềm năm học mới 2023-2024 và cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” lần thứ 4 năm 2023 dành cho học sinh các trường THCS, THPT, sinh viên, học viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước. Những chia sẻ, động viên của nhà lãnh đạo cùng sự tri ân và tình cảm chân thành của học trò thực sự đã tiếp thêm cho thầy cô giáo niềm tin, nghị lực và tình yêu dành cho sự nghiệp trồng người.

Phóng viên: Thông tin dự án Luật Nhà giáo dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng hết sức quan tâm, mong đợi. Quan điểm của bà thế nào về sự cần thiết và kỳ vọng của mình đối với dự án Luật này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Mai Thị Hoa: Các nhiệm kỳ qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng như cá nhân tôi đã không ít lần kiến nghị về việc cần thiết xây dựng một đạo luật về Nhà giáo.

Cần thiết, vì yêu cầu thể chế hóa đường lối của Đảng về giáo dục và về nhà giáo; luật hóa quan điểm trong Nghị quyết Hội nghị TW 2 khóa VIII: “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hôi tôn vinh”; tinh thần Nghị quyết TW 8 khóa XI về “phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới cán bộ”. Đặc biệt, Chỉ thị số 40/2004/CT-TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa IX đã xác định “nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng” và giao nhiệm vụ nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Giáo viên.

Cần thiết, vì hệ thống các quy định pháp luật liên quan tới nhà giáo hiện đang nằm rải rác ở nhiều văn bản, vừa thiếu đồng bộ vừa chưa bao quát được tất cả nhóm đối tượng nhà giáo (ngoài công lập, nhà giáo có yếu tố nược ngoài).

Cần thiết, vì tính chất đặc biệt của nghề giáo là nghề “trồng người”,mang đặc trưng riêng khác biệt với viên chức ngành, lĩnh vực khác; mỗi nhà giáo phải là “tấm gương sáng”. Cùng với đó là vô vàn áp lực đặt ra cho nhà giáo: áp lực từ kỳ vọng của xã hội, của phụ huynh; áp lực từ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Có tới 40 nghìn giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong 3 năm qua; dù so với 1,6 triệu giáo viên thì tỷ lệ ấy rất nhỏ, nhưng cho thấy cần phải rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật để có những quy định đặc thù về nhà giáo.

Xuất phát từ những ý nghĩa trên, tôi kỳ vọng việc ban hành Luật về nhà giáo lần này sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để phát triển đội ngũ nhà giáo; góp phần khắc phục tình trạng bất bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công và khu vực tư; và quan trọng hơn chính là thể hiện sự tôn vinh dành cho nhà giáo.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!

Thu Phương – Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84653