Phim Việt về giới thượng lưu ế khách do hời hợt thiếu kiến thức

Điện ảnh Việt Nam mấy năm trở lại đây có khá nhiều phim khai thác đề tài giới thượng lưu. Khi mới ra mắt, đa phần đều thu hút sự chú ý của công chúng nhưng do hời hợt, thiếu kiến thức nên dần bị khán giả thờ ơ.

Điện ảnh Việt Nam mấy năm trở lại đây có khá nhiều phim khai thác đề tài giới thượng lưu. Khi mới ra mắt, đa phần đều thu hút sự chú ý của công chúng nhưng do hời hợt, thiếu kiến thức nên dần bị khán giả thờ ơ.

Đề tài chưa bao giờ hết hot

Đề tài về giới thượng lưu vốn chưa bao giờ hết hot với điện ảnh thế giới và châu Á, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước khi có những phim điện ảnh của người Việt khai thác đề tài này, nhiều phim truyền hình và sau này là phim điện ảnh Hàn Quốc đã lấy nhiều nước mắt của khán giả Việt.

Bối cảnh phim “Chị chị em em”.

Từ khi Netflix đổ bộ vào Việt Nam, khán giả Việt lại có cơ hội thưởng thức nhiều tác phẩm từ ngắn đến dài kỳ về chủ đề này. Vậy tại sao đề tài này lại được quan tâm?

Trước hết, phải nói đến yếu tố tâm lý của người Việt Nam khi xã hội thay đổi, kinh tế phát triển hơn. Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX, xã hội Việt Nam xuất hiện tầng lớp giàu có, đại gia, thông qua những thông tin trên báo chí truyền thông và sau này là trên các nền tảng mạng xã hội.

Tâm lý muốn biết về một tầng lớp ít ỏi, có những đặc quyền đặc lợi và dĩ nhiên kèm theo đó là những drama khiến công chúng tò mò. Phim ảnh là sản phẩm dễ thỏa mãn trí tò mò nhất.

Mặt khác, làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam và sau đó là một loạt phim điện ảnh của châu Á, thế giới, giúp công chúng được thưởng thức mãn nhãn. Những bộ phim gây tiếng vang, ấn tượng, có thể kể đến như: "Gatsby vĩ đại" (The Great Gatsby); "Con nhà siêu giàu châu Á" (Crazy Rich Asians); "Cuộc chiến thượng lưu" (The Penthouse); "Ký sinh trùng" (Parasite) hay "Vườn sao băng"…

Những bộ phim trên hút khán giả nhờ vào kịch bản hay, diễn viên đẹp, diễn xuất ấn tượng, khung cảnh huy hoàng, lộng lẫy, khắc họa đúng môi trường thượng lưu sang giàu.

Thứ "gia vị" được ưa thích

Về phần mình, điện ảnh Việt Nam cũng có nhiều bộ phim về giới siêu giàu. Đề tài về high-society (tầng lớp giàu có quyền lực) đã và đang trở thành một thứ gia vị được sử dụng nhiều trong điện ảnh nước nhà, thậm chí hứa hẹn còn được khai thác nhiều thêm nữa.

Hai đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito đã thành công với một loạt phim xoay quanh câu chuyện về những "Gái già lắm chiêu". Ngoài kịch bản tự viết, cũng có những phim làm lại (remake) kịch bản của nước ngoài thành công vì đây là cách dễ nhất để thực hiện mà không cần phải đầu tư quá nhiều vào kịch bản.

Phim "Tiệc trăng máu" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dựa trên bản làm lại từ bộ phim Ý "Perfect Strangers" là một ví dụ. Phim "Chị trợ lý của anh" do Mỹ Tâm làm đạo diễn hay "Chị chị em em" của Kathy Uyên và "Chị chị em em 2" của Vũ Ngọc Đãng và một số phim khác cũng đi theo đề tài hot này.

Cho dù kịch bản có thể còn nhiều chi tiết bất hợp lý, sến súa, diễn viên chưa đóng đạt vai, nhưng những drama lắt léo về ngoại tình hay tranh giành quyền lực và bối cảnh xa hoa, hào nhoáng hết cỡ khiến khán giả vui vẻ chấp nhận với sự trải nghiệm giải trí nhẹ nhàng.

Lúc này yếu tố thượng lưu, giàu có sẽ đóng vai trò khiến bộ phim thêm long lanh, thu hút, mang lại cảm giác vui vẻ, không nặng nề. Chưa kể đến việc dùng yếu tố giàu có, thượng lưu làm chiêu bài PR, quảng bá cho tác phẩm cũng dễ dàng hơn nhiều so với những bộ phim chọn những đề tài khác.

Công chúng sẽ quan tâm đến những bài báo kể về việc thiết kế trang phục cho nhân vật thế nào, khung cảnh quay ở đâu, tốn kém bao nhiêu để dựng cảnh, chi phí cho việc trang trí hoa cỏ, bàn tiệc mất bao nhiêu tiền.

Thất bại vì không để lại ấn tượng gì cho công chúng

Sau một loạt phim Việt về giới siêu giàu doanh thu cao, nhiều đạo diễn và nhà đầu tư điện ảnh tiếp tục đánh cược vào đề tài này. Bên cạnh những phim được gọi là thành công, không ít phim có doanh thu thấp và không hề đọng lại ấn tượng gì cho công chúng.

Poster phim “Gái già lắm chiêu”3

Có thể nhận thấy, điểm yếu lớn nhất của các bộ phim thua lỗ là ở cách xây dựng thế giới thượng lưu. Chính tác giả kịch bản và đạo diễn chưa có trải nghiệm thực tế về giới siêu giàu. Một số phim không có sự hư cấu hợp lý dẫn đến sự giàu có của các nhân vật được thể hiện rất hời hợt, nhạt nhẽo.

Nhân vật chỉ cho thấy sự giàu có của mình thông qua những câu khoe khoang hay đấu khẩu với nhau như trong phim "Mưu kế thượng lưu" hay "Quý cô thừa kế 2".

Một số cảnh tiêu xài, tiệc tùng thì được miêu tả quá mức đơn giản. Khung cảnh nhà ở, văn phòng hay xe cộ đi lại thiếu sự sang trọng, tinh tế, đắt giá của giới lắm tiền nhiều của.

Các diễn viên thể hiện những vai diễn theo kiểu "gây ồn ào", lạm dụng chuyện chửi bới, khóc lóc nên thiếu đi cốt cách để cho khán giả thấy họ là những người siêu giàu và có đẳng cấp. Những thương vụ bạc tỷ được miêu tả quá dễ dài, sơ sài, cảnh quay quen thuộc; cảnh ăn chơi thác loạn, cảnh nóng, cảnh đánh nhau, ghen tuông, cùng với drama ngoại tình, giật bồ… được khai thác triệt để đến mức nhàm chán.

Một biên kịch giấu tên làm việc cho HKFilm cho biết, nhiều tác giả kịch bản hiện nay viết tương đối dễ dãi và nhanh, nên kịch bản không hay vì không có sự đầu tư tìm hiểu. Nhà biên kịch này đánh giá: "Viết kịch bản điện ảnh không chỉ cần hấp dẫn mà còn cần sự hiểu biết và kiến thức nhất định, nhất là khi chọn đề tài về giới thượng lưu. Đạo diễn cũng cần có con mắt xanh để nhìn ra kịch bản nào hay, hợp lý để làm phim".

Bùi An, một người làm việc tại HDvietnam.com (Mạng xã hội nghe nhìn và phim ảnh) nhận nhận xét: "Vấn đề là biên kịch khá non tay khi các tình huống dẫn dắt đều chưa đủ, nhiều chỗ phi lý, phi thực tế, nên khi xem sẽ bị gợn, sẽ thất bại trong việc thuyết phục người xem".

Phim Việt về giới thượng lưu doanh thu lẹt đẹt

Bộ phim "Mưu kế thượng lưu" của đạo diễn Trần Bảo Lộc ra mắt năm 2022, chiếu vào đúng dịp Tết chỉ có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, theo số liệu của The Box Office (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Tác phẩm bị chê vì kịch bản vô lý, các nhân vật siêu giàu cỡ con gái nuôi của tỷ phú Hà Lan mà ứng xử không ra vẻ khí chất thượng lưu.

Bộ phim "Chiếm đoạt" ra mắt năm 2023 của đạo diễn Thắng Vũ tận dụng drama ngoại tình với sự đầu tư của Hàn Quốc nhưng doanh thu cũng chỉ gần 23 tỷ đồng, theo số liệu của The Box Office.

Đạo diễn Hoàng Duy với "Quý cô thừa kế" năm 2018 chỉ có doanh thu 1,6 tỷ đồng, và bộ phim mới ra mắt trong tháng ba của anh "Quý cô thừa kế 2" cũng chỉ có doanh thu 6,4 tỷ đồng. Một số bộ phim khác về giới nhà giàu Việt Nam đều rơi vào tình trạng lỗ nặng.

Hà Thanh Vân (Tiến sĩ văn học)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phim-viet-ve-gioi-thuong-luu-e-khach-do-hoi-hot-thieu-kien-thuc-19224033022571377.htm