Phim Việt đang rộng đường ra quốc tế

Đó là chia sẻ của anh Thiên A Phạm - đại diện 3388 Films, đơn vị đang phát hành nhiều dự án phim Việt tại các thị trường nước ngoài, tại tọa đàm 'Phát triển điện ảnh TPHCM' vào chiều 7-4, trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế TPHCM 2024.

Trong phiên thảo luận thứ 4 có chủ đề "Thu hút sản xuất nội địa - Phát hành toàn cầu", anh Thiên A Phạm đưa ra dẫn chứng từ chính những kinh nghiệm thực tế khi đưa phim Việt phát hành ở các thị trường quốc tế.

Anh dẫn chứng, khi đưa Bố già phát hành ở Mỹ, số lượng rạp chiếu ban đầu rất hạn chế, chỉ 15-20 rạp. Tuy nhiên, nhận thấy sự đón nhận của khán giả, số lượng rạp chiếu bắt đầu được tăng lên. "Chúng tôi phải đi từng bước và nương theo thị hiếu để tiếp cận khán giả", Thiên A Phạm cho biết.

Anh Thiên A Phạm (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng các khách mời trong phiên giao lưu

Công thức được anh tiết lộ, đó là ban đầu sẽ phát hành chủ yếu dành cho cộng đồng kiều bào và được đón nhận vì có sự đồng cảm về văn hóa. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một bất lợi là phim cũng sẽ ít thu hút khán giả nước ngoài. Do đó, bài toán giữ doanh thu trong các tuần tiếp theo đặt ra nhiều thử thách. "Điều tiên quyết là phải tạo ra sự hiếu kì để họ sẵn sàng ra rạp. Tuy nhiên, ở mỗi thị trường khác nhau, thị hiếu không giống nhau", anh chia sẻ thêm.

Đồng thời Thiên A Phạm đưa ra dẫn chứng mới nhất về việc phát hành bộ phim Người vợ cuối cùng tại cộng hòa Séc và thị trường Đông Âu.

Để đi đến quyết định này, 3388 Films đã phỏng vấn rất nhiều kiều bào sinh sống và làm việc ở đây. Từ đó, biết biết rằng đa phần họ chưa có cơ hội xem phim Việt tại rạp. Việc đánh đúng vào thị hiếu đã giúp có được thành công bước đầu và từ những thành công nhỏ đó, phim dần được đón nhận và số lượng suất chiếu theo đó cũng tăng lên.

Cũng trong phiên thảo luận này, chị Hằng Trịnh - đại diện Skyline Media - đơn vị cung cấp bản quyền phim hàng đầu tại Việt Nam, cho biết, trong hành trình đưa phim Việt phát hành ra các nước, cá nhân chị luôn đóng nhiều vai trò khác nhau khi thâm nhập thị trường mới để tạo dựng và cố gắng trở thành một mắt xích trong mạng lưới toàn cầu.

"Ngay từ giai đoạn sản xuất, mỗi nhà sản xuất đều phải có chiến lược cá nhân hóa để biết mình phù hợp với thị trường nào. Tùy từng dòng phim, chủ đề sẽ có chiến lược khác nhau", chị chia sẻ thêm.

Anh Anderson Le (ngoài cùng bên phải) và bà Manijeh Fata trao đổi sôi nổi bên lề phiên thảo luận

Là người đảm nhận vai trò điều phối phiên thảo luận này, anh Anderson Le - Trưởng ban Tuyển phim HIFF 2024, cho biết, hiện có không ít thử thách cho thị trường Việt Nam. Theo anh, làm phim giống như cách làm thương hiệu và chất lượng chính là yếu tố tiên quyết thành công.

Trong khi đó, ở phiên thảo luận cuối cùng với chủ đề "Liên kết các địa phương và hợp tác sản xuất quốc tế", các diễn giả tham dự đã cùng nhau chia sẻ về những bài học kinh nghiệm thành công, hoàn toàn có thể áp dụng cho TPHCM.

Ông Kim Dong Hyun - Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) nhấn mạnh, một bài học thành công trong hợp tác chính là làm thế nào tạo ra một mạng lưới để hỗ trợ các nhà sản xuất cả trong và ngoài nước. Ông cũng tin tưởng, sau HIFF 2024 giao lưu giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực điện ảnh sẽ tiếp tục được tăng cường, cùng phát triển.

Đại diện ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham gia giao lưu

Bà Manijeh Fata, Giám đốc điều hành Ủy ban phim San Francisco, cho biết, những cơ quan như này sẽ đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi để thu hút các đoàn làm phim cả trong và ngoài nước. Bà Manijeh Fata ví, đây chính là cơ quan một cửa giúp giải đáp mọi thắc mắc cho các đoàn phim trước khi sản xuất.

Theo bà Manijeh Fata, một mô hình liên kết có thể tham khảo đó là kết nghĩa giữa các thành phố, tạo những nguồn tài trợ, học bổng để học hỏi lẫn nhau. Bà Manijeh Fata cũng hy vọng trong tương lai TPHCM có thể kết nghĩa với nhiều thành phố, trong đó có San Francisco để tận dụng các mối quan hệ của nhau, thúc đẩy điện ảnh phát triển.

VĂN TUẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phim-viet-dang-rong-duong-ra-quoc-te-post734268.html