Phim 'nghệ thuật' thỏa mãn cái tôi hay theo trào lưu xã hội?

2022 là năm bức tranh về điện ảnh Việt Nam nhìn nhận được nhiều khuyết điểm và nghịch lý một cách rõ ràng nhất. Dù có những tác phẩm được ứng viên Oscar, Quả cầu vàng cũng phải chịu cảnh ảm đạm ở phòng vé. Trong khi các phim thị trường, chủ yếu mang lại tiếng cười lại thắng đậm. Vậy vì sao dòng phim 'nghệ thuật' lại khó phát triển đến vậy? Có phải do người xem khó tính hay dòng phim này chưa chạm được đến tim khán giả?

Trong năm 2022 đến những tháng đầu năm 2023, khán giả Việt có dịp thưởng thức nhiều bộ phim có tên trong các đề cử Oscar 2023 tại rạp. Trong đó, đáng chú ý là The Fabelmans (khởi chiếu ngày 10/2).

Tuy nhiên, một nghịch lý do thấy dù tác phẩm này được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng khi chiếu ở rạp Việt, doanh thu lại vô cùng khiêm tốn. Không chỉ tác phẩm nước ngoài mà ngay cả dòng phim nội địa cũng chịu chung số phận.

Bộ phim Tro tàn rực rỡ. Ảnh: CGV

Bộ phim "Đêm tối rực rỡ" - phim Việt về bạo hành gia đình - được gửi đi tranh giải "Tác phẩm nước ngoài xuất sắc" của Quả cầu vàng ở Mỹ. Hồi tháng 9, tác phẩm cũng thắng giải Cánh diều vàng 2022 cho Phim điện ảnh xuất sắc. Nhã Uyên thắng giải Nữ diễn viên chính điện ảnh xuất sắc cho vai Xuân Thanh - người con bị trầm cảm, và giải Biên kịch điện ảnh. Đêm tối rực rỡ cũng chiến thắng ở hạng mục Quay phim điện ảnh và Nam diễn viên phụ điện ảnh.

Như vậy, yếu tố "nghệ thuật" của bộ phim đã được minh chứng rất rõ ràng bằng loạt giải thưởng lớn nhỏ. Ý nghĩa nhân văn sâu sắc cũng đã khiến bộ phim nhận "mưa" lời khen từ các hội đồng chấm giải. Nhưng phim rời rạp khi chỉ mang về doanh thu hơn 4 tỉ đồng - một con số khá khiêm tốn so với công sức, tâm huyết của đoàn phim.

Trước đó, dòng phim "nghệ thuật" cũng có sự góp mặt của "Song lang" (nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Leon Quang Lê). Nhưng phim cũng không thành công ở các phòng vé, thậm chí là "chết yểu" sau thời gian ngắn ra rạp. Tác phẩm này từng giành đến 20 giải thưởng trong và ngoài nước nhưng cuối cùng doanh thu chỉ có 5 tỉ đồng.

Một cảnh trong phim "Song Lang".

Trong khi đó, các bộ phim thắng ở rạp Việt chiếm phần lớn là các bom tấn hành động, phim siêu anh hùng hay những dòng phim hài hước, mang đậm tính giải trí. Tính riêng trong 2 năm qua, các phim thắng ở rạp Việt có: Bỗng dưng trúng số (gần 200 tỉ đồng), Nhà bà Nữ (hơn 435 tỉ đồng), (Chị chị em em 2 hơn 100 tỉ đồng)...

Theo lý giải của giới chuyên môn, các phim này kích thích khán giả ra rạp vì nhu cầu giải trí của người xem là rất lớn. Thêm nữa, các phim ra mắt gặp "thiên thời" khi rơi vào thời điểm ít có phim khác cạnh tranh cùng với đó là hiệu ứng truyền thông tốt...

Còn dòng phim nghệ thuật là dòng phim không chứa các yếu tố giải trí thông thường (như kỹ xảo điện ảnh, dàn diễn viên ăn khách và trẻ đẹp, các cảnh nóng bỏng, giật gân,...), mà chú trọng khai thác chiều sâu tâm lý, gợi mở cho người xem những suy tư, ám ảnh. Nếu phim thương mại nhằm mục đích thu hút càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt, thì phim nghệ thuật lại là phương tiện để người làm phim thể hiện thông điệp mang dấu ấn sáng tạo cá nhân.

Một tác phẩm điện ảnh thành công cần hai tiêu chí là có giá trị nghệ thuật và chinh phục khán giả. Đôi lúc, các nhà làm phim Việt cho rằng phim mình thất bại doanh thu vì thuộc dòng nghệ thuật, kén người xem.

Nhưng vì sao "Ký sinh trùng" (tựa tiếng Anh: Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho đã vượt qua định kiến "phim nghệ thuật thường khó xem" ở thị trường Việt, thu 15 tỉ đồng tiền vé (gần 200.000 lượt khán giả) chỉ sau 3 ngày ra rạp. Trở thành phim Hàn có doanh thu cao nhất sau cuối tuần đầu khởi chiếu tại Việt Nam.

"Ký sinh trùng" tác phẩm thắng giải Cành cọ vàng được khán giả Việt đón nhận nhiệt tình.

"Ký sinh trùng" nhận được sự tán thưởng của giới làm nghề và cả khán giả xem phim. Nghệ thuật kể chuyện trong "Ký sinh trùng" thỏa mãn mọi đối tượng khán giả, ai cũng dễ dàng cảm nhận được câu chuyện của phim theo từng cấp độ nghệ thuật và giá trị thông điệp nhiều tầng nghĩa ẩn dụ trong đó.

Khán giả bị cuốn hút vào những tình tiết bất ngờ, đậm chất giải trí chứ không triết lý lỗi thời, nhàm chán thường thấy trong nhiều tác phẩm xưng danh phim "nghệ thuật" lâu nay ở Việt Nam.

Đây là thành công cho một phim được xếp vào dòng nghệ thuật khi tiếp cận khán giả đại chúng một cách gần gũi thông qua câu chuyện mang tính phổ quát. Chinh phục khán giả nhưng phim cũng khiến giới chuyên môn ngả mũ chào bởi sự chỉn chu từ kịch bản, nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn của đạo diễn, diễn xuất thượng thặng của diễn viên, hình ảnh, âm thanh, dựng phim… đều đạt đến trình độ hoàn hảo.

Không chỉ có Parasite, nhiều phim có giá trị nghệ thuật cao của nước ngoài dù thắng giải Oscar hay Cành cọ vàng nhưng nội dung rất dễ hiểu, cuốn hút đầy chất giải trí như "Triệu phú ổ chuột".

Phim "Triệu phú ổ chuột" là tác phẩm gặt hái đến 8 giải thưởng Oscar, doanh thu hơn 377 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 15 triệu USD. Khán giả thế giới chắc chắn còn nhớ đến tác phẩm "Gia đình đạo tặc" (tựa gốc: Shoplifters) giành Cành cọ vàng LHP Cannes 71. Phim phản ánh chân thật cuộc sống, với cách kể khán giả dễ cảm nhận, giúp gặt hái doanh thu 72 triệu USD và 34 giải thưởng tại nhiều LHP của thế giới.

Và như vậy có thể cho rằng dòng phim "nghệ thuật" khó phát triển là do khán giả khó tính? Sự dễ dãi trong gu thưởng thức của khán giả "tiếp tay" cho những bộ phim nhảm, nhạt. Sự lên ngôi của những bộ phim giải trí hời hợt không thể giúp điện ảnh Việt đi xa trên con đường nghệ thuật. Đó chỉ là cách đầu tư "ăn xổi", "đánh nhanh thắng nhanh", không tạo ra giá trị bền vững.

Làm phim để thỏa mãn cái tôi không còn phù hợp.

Nhưng cũng phải đặt câu hỏi dòng phim "nghệ thuật" đã thực sự vì công chúng chưa hay vẫn còn những quan điểm làm phim cho bản thân, để thỏa mãn cái tôi của mình. Vì hơn 90 triệu người dân Việt Nam thì không phải ai ai cũng sẽ cùng quan điểm. Có những người yêu thích và muốn được xem một bộ phim "nghệ thuật" thực sự ngoài rạp. Nhưng khi xem về rồi, mọi thứ lại khiến họ thất vọng.

Như vậy không phải khán giả Việt quay lưng mà phim "nghệ thuật" mà vì lâu nay hiếm có tác phẩm nào thuộc dòng phim này đủ sức chinh phục họ. Tác phẩm có một kịch bản hay, ý tưởng sâu sắc thôi chưa đủ. Mà để đến được đông đảo dân chúng còn phụ thuộc vào góc độ thể hiện câu chuyện, cách triển khai các tuyến nhân vật và quan trọng đừng đặt tiêu chí nào là chủ yếu mà hãy hài hòa nhất có thể.

Nhiều chuyên gia nhận xét: phim phải có yếu tố nghệ thuật nhưng cũng phải có khả năng thành công doanh thu mới thực hiện. Phim phải có lãi mới xem là thành công.

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/giai-tri/phim/phim-nghe-thuat-thoa-man-cai-toi-hay-theo-trao-luu-xa-hoi-506388.html